Mỗi người ai cũng có những kỷ niệm được khắc sâu trong trái tim. Đó có thể là những kỷ niệm vui buồn với bạn bè, thầy cô, cũng có thể là mong muốn, ước ao không dám thổ lộ cùng ai.

Còn với tôi, người đã dành cả tuổi thanh xuân cho việc học tập, nghiên cứu tại nước Nga thân yêu, tôi luôn mong muốn được một lần nữa quay trở lại khoảng thời gian đại học, được học hành và chơi đùa vô tư cùng những người bạn...

Năm 2012, khi 20 tuổi, tôi lần đầu đặt chân đến nước Nga để bắt đầu hành trình đi tìm tri thức. Đối với tôi mà nói đây thực sự là 1 bước ngoặt trong cuộc đời. Hồi còn ở quê nhà, tôi gầy gò, trắng trẻo, cả ngày chỉ biết ngồi bàn học làm Toán, làm Văn, chưa từng biết nấu một bữa ăn, giặt một bộ quần áo.

Vậy mà khi sang nước bạn học tập, tôi phải tự lập sống một mình cùng với bạn bè khắp năm châu. Bước xuống sân bay, tôi vui sướng vì đã đến được chân trời mới.

Tuy nhiên, sâu thẳm trong tim là cảm giác lo lắng, không biết những ngày tháng tiếp theo điều gì sẽ chờ đón mình.

Vừa ra tới sảnh đến, tôi nhìn thấy ngay một cô giáo cầm tấm bảng ghi tên viết tắt của trường: “IATE MEPhI” (Trường Đại học Năng lượng nguyên tử - Đại học tổng hợp nghiên cứu hạt nhân quốc gia MEPhI).

Đứng bên cạnh cô là một anh sinh viên khóa trên tên Khoa.

Sau những câu chào hỏi ban đầu, anh Khoa giúp chúng tôi chất đồ lên xe ô tô của trường, phụ cô giáo tặng mỗi người một phong chocolate ăn cho ấm bụng. Đó là món quà đầu tiên mà nhà trường dành tặng lứa sinh viên mới.

Trường tôi nằm tại thành phố Obninsk, cách Moscow 100km về phía Tây nam, trên trục đường về thành phố nổi tiếng Kaluga. Bao quanh trường là một khu rừng rộng. Khu ký túc xá (KTX) với bốn tòa nhà cao tầng san sát nhau nằm ngay gần trường. Các cửa sổ phòng trong KTX đều hướng ra rừng cây rợp bóng mát. Nếu đứng ở đây vào mùa hè, bạn có thể đón ánh nắng sớm mai và nghe tiếng chim kêu rả rích. Còn khi mùa đông đến, bạn có thể đưa tay qua cửa sổ hứng lấy những bông tuyết trắng to tròn, thích mắt.

Ngày đi học đầu tiên, theo thông lệ nhà trường, lũ sinh viên sau khi chia thành các lớp sẽ được một sinh viên năm cuối dẫn đi thăm quan trường, giới thiệu thư viện, phòng học và những nơi cần biết khác.

au đó, tất cả tập trung về một phòng học chơi trò chơi làm quen. Khi đó, lớp tôi được nhà trường phân công bạn Tanhia tóc dài hướng dẫn.

Tanhia yêu cầu chúng tôi xếp đội hình sao cho không có hai sinh viên quốc tế nào đứng cạnh nhau.

Cậu sinh viên ấy sợ chúng tôi còn bỡ ngỡ khi lần đầu tiếp xúc với những người không nói cùng một ngôn ngữ. Người Nga tinh tế và khéo léo như thế đấy.

Thành phần lớp tôi một nửa là sinh viên quốc tế, một nửa là sinh viên Nga. Khi tập hợp vòng tròn, mỗi sinh viên quốc tế sẽ đứng cạnh hai sinh viên Nga, cùng chơi trò gọi tên theo thứ tự những người đứng trước mình. Tiếp xúc với tiếng Nga chưa nhiều, sinh viên Việt Nam khó phát âm đúng tên các bạn Nga.

Mỗi lần gọi đều phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhờ đó chúng tôi thân thiết với nhau hơn, nhớ rõ tên nhau và có một buổi sáng thật vui vẻ, sảng khoái.

Cũng từ buổi ban đầu này mà tôi gặp và làm quen với Sasha, một cậu bạn có mái tóc xoăn vàng óng.

132 1 Nuoc Nga Da Cho Toi Mot Nguoi Ban

Sasha (ngoài cùng bên trái) và tác giả (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Tác giả cung cấp.

Sasha cũng như những thanh niên người Nga khác, cao lớn, mập mạp, chơi thể thao giỏi, đặc biệt là môn võ Sambo nổi tiếng. Tuy học cùng lớp nhưng Sasha nhỏ hơn tôi 2 tuổi, là em út ở lớp khi đó.

Sasha rất chăm chỉ, đi học đều, luôn ngồi bàn đầu. Mỗi buổi học cậu ấy đều lắng nghe và ghi chép đầy đủ.

Trong những ngày đầu năm học, các sinh viên quốc tế thường gặp khó khăn trong việc nghe giảng hay ghi chép bài do chưa quen với giọng đọc của thầy cô.

Thêm vào đó, tài liệu, giáo trình có nhiều từ vựng chuyên ngành mới. Do vậy, chúng tôi chủ động tìm một nhóm học tập với các bạn người Nga để bổ sung những phần kiến thức chưa nắm kịp trong giờ giảng trên lớp. Sasha chính là người cho tôi mượn vở, giải thích cho tôi những chỗ khó hiểu trong tài liệu.

Chúng tôi cùng nhau học bài, làm bài tập, chuẩn bị cho buổi lên lớp hôm sau. Có những ngày chúng tôi ngồi lại thư viện đến tối mịt, khi cô thủ thư đóng cửa mới chịu ra về. Nhờ đó, tình bạn của tôi và Sasha ngày càng khăng khít.

Tháng 6 hè về, ở Việt Nam là mùa của ve kêu, phượng nở, là thời gian thư giãn của học sinh, sinh viên sau một năm dài nỗ lực. Còn với những du học sinh tại Nga như tôi, tháng 6 là mùa thi cử bận rộn, là dịp thi kết thúc những môn học khó nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm thư viện của trường không còn một chỗ trống.

Tôi và Sasha vẫn là “đôi bạn cùng tiến”. Tôi tìm tòi những câu hỏi trong sách, trong bài giảng của thầy cô, soạn trước câu trả lời để chuẩn bị cho buổi thi vấn đáp cuối kỳ. Sasha hỗ trợ tôi giải thích những từ chuyên ngành, những cấu trúc phức tạp trong tài liệu. Cả hai đều cùng cố gắng để đạt thành tích cao trong kỳ thi.

Mùa hè năm đó, tôi được Sasha mời về trang trại của gia đình ở ngoại ô Moscow.

Đó là một điền trang nhỏ trồng rau củ, ở giữa là căn nhà nghỉ hai tầng mà gia đình Sasha thuờng về nghỉ ngơi mỗi dịp cuối tuần.

Vừa xuống khỏi xe, tôi được bác Ivan - bố của Sasha mời một miếng bánh mì đen chấm muối. Sau khi tôi ăn xong, bác vỗ vai tôi cười nói bằng tiếng Nga: “Chào mừng cháu đến thăm gia đình”.

Tôi bắt tay bác Ivan và theo bác vào trang trại. Trang trại nằm ở bìa rừng, xung quanh là những cây bạch dương to cao tỏa bóng mát, cách không xa là dòng suối chảy róc rách nghe thật vui tai.

Sáng sáng, mọi người cùng nhau vào rừng hái nấm, dạo suối, nghe tiếng chim hót, chiều về lại cùng nhau cuốc đất, trồng cây, chăm vườn hoa nhỏ sau nhà.

Tình cảm của gia đình bạn Nga dành cho sinh viên Việt Nam như tôi đáng quý biết bao. Bác Ivan cũng là người đầu tiên giới thiệu cho tôi món trứng cá hồi truyền thống của dân tộc Slav. Miếng trứng cá đầu tiên có vị mằn mặn như những giọt mồ hôi minh chứng cho sự nỗ lực của tôi trong học tập, miếng trứng cá thứ hai lại có sự ngọt ngào như nghĩa tình nhân dân Nga dành cho nhân dân Việt Nam.

Thời gian vùn vụt trôi qua, chẳng mấy chốc đã hết 6 năm học. Ngày tổng kết, tôi đứng cạnh Sasha.

Cả hai chụp chung cùng với tấm bằng tốt nghiệp, cùng hô vang câu khẩu hiệu theo tiếng bắt nhịp của Hiệu trưởng: “Ai là kỹ sư? - Chúng tôi là kỹ sư!”. Chúng tôi đều cười vui vì đã hoàn thành chặng đường học tập gian khổ. Nhưng ẩn sau nụ cười ấy là một nỗi buồn khó tả. Bởi cả hai đều hiểu rất có thể đây là lần gặp nhau cuối cùng.

Sau này, mỗi người mỗi nơi, phát triển sự nghiệp riêng của mình. Chỉ một thứ duy nhất còn ở lại, đó là tình bạn của tôi và Sasha, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nga.

NGUYỄN HỮU TRANG

Nguồn: qdnd.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga