Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, biết ơn sự giúp đỡ to lớn, vô tư, chí tình chí nghĩa của nhân dân Liên Xô trong những tháng năm đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tôi, những ngày tháng học tập quân sự tại Liên Xô luôn là kỷ niệm không bao giờ quên.

Đón tiếp nồng nhiệt với bánh mì và muối

Từ đầu năm 1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá dữ dội miền Bắc Việt Nam. Khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị phía Liên Xô giúp đỡ tên lửa và huấn luyện cho bộ đội Việt Nam.

Đáp lại yêu cầu đó, Chính phủ Liên Xô nhanh chóng viện trợ cho Quân đội ta nhiều tổ hợp tên lửa phòng không và cử chuyên gia tên lửa sang Việt Nam xây dựng các đơn vị chiến đấu, đồng thời tổ chức tiếp nhận, đào tạo cơ bản đội ngũ cán bộ kỹ thuật tên lửa.

Đầu tháng 10-1967, đoàn chúng tôi gồm 54 người được cử sang Liên Xô học về kỹ thuật tên lửa. Chúng tôi đi tàu hỏa nhiều ngày từ Việt Nam qua Trung Quốc rồi ven theo hồ Baikal rộng lớn với những cánh rừng bạch dương ngút ngàn trong sắc thu vàng. Tiếp xúc với những con người Xô viết chất phác, đôn hậu và chứng kiến tình cảm hữu nghị thân thiết của họ dành cho nhân dân Việt Nam đang chiến đấu chống ngoại xâm đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng không thể phai nhòa.

Nơi đất khách, chúng tôi luôn nhận được sự chăm sóc chu đáo nhất, từ nơi ăn, chốn ở, đến những vật dụng cần thiết cho khóa học... Trên giảng đường, các thầy cô giáo tận tình hướng dẫn, chỉ bảo chúng tôi học tiếng Nga, vốn là ngôn ngữ không dễ nhưng đã rất gần gũi với học sinh Việt Nam ở trường phổ thông.

Các buổi tham quan bảo tàng, nhà máy, xí nghiệp, những ngày lao động ở nông trường cùng người dân Xô viết, những tác phẩm văn học, âm nhạc Liên Xô và các tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Xô viết như loạt phim "Giải phóng" về cuộc chiến tranh chống phát xít Đức đã giúp chúng tôi hiểu biết thêm về đất nước Liên Xô vĩ đại.

Đi đến đâu chúng tôi cũng được đón tiếp nồng nhiệt với bánh mì và muối (phong tục độc đáo thể hiện nét văn hóa đặc sắc cũng như lòng hiếu khách dành cho những người từ phương xa ghé thăm xứ sở bạch dương), rồi được những người bạn Xô viết quan tâm hỏi chuyện ân cần như khi người thân của họ vừa từ nơi bom đạn trở về.

Tới thăm pháo đài Brest ở biên giới Ba Lan-Liên Xô, nơi hứng chịu đòn tấn công đầu tiên của quân phát xít Đức vào lãnh thổ Liên Xô hay làng Khatyn bị quân phát xít Đức san bằng và đốt trụi trong đêm 22-3-1943, chúng tôi thấy vẫn còn nguyên dấu tích đổ nát kinh hoàng bởi bom đạn kẻ thù được lưu lại làm chứng tích lịch sử.

132 1 Noi Giang Duong Giua Tuyet Trang Xu Bach Duong

Tiết mục múa sạp của học viên quân sự Việt Nam tại Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-1969).

Rồi mùa đông đến. Lần đầu tiên tôi được thấy những bông tuyết trắng nhẹ bay khắp trời và phủ một màu trắng tinh khôi lên mọi cảnh vật, nhà cửa, đường phố. Cánh rừng bạch dương sau nơi ở của chúng tôi đang khoác áo thu vàng qua một đêm bỗng trở thành màu trắng toát như áo choàng của nàng Bạch Tuyết.

Hôm đó ra đường, dù đã được cấp áo khoác dày của quân đội Liên Xô nhưng nhiệt độ dưới 0 độ C đã làm chúng tôi lạnh cóng. Sau này quen dần, trong các giờ rèn luyện thể lực học môn trượt tuyết, chúng tôi đã có thể ở ngoài trời lâu hơn, tới vài tiếng trong rừng tuyết dày đến 40-50cm.

Còn mùa hè ở đây thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Khí hậu ôn đới nên trời rất mát mẻ, dễ chịu, nắng nhẹ, khô ráo, nhiệt độ chỉ hơn 20 độ C.

Rừng bạch dương mùa này là đẹp nhất, với những hàng cây thân trắng đốm đen, lá nhỏ xanh mướt, mảnh mai thẳng tắp.

Trong rừng còn một loại rau mọc nhiều, có thể ăn được mà người dân gọi là rau muối và kể lại rằng: Vào thời kỳ chiến tranh chống phát xít Đức, đấy là loại rau ăn hằng ngày của họ cũng như các chiến sĩ du kích Xô viết tại những căn cứ nơi rừng sâu. Ngày nghỉ, chúng tôi cũng vào rừng hái loại rau này về nấu canh ăn thử và thấy khá ngon.

Thực tế đã chứng minh, đất nước có nhiều ân tình sâu đậm với Việt Nam trong suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc chính là Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, mà cội nguồn của sự gắn bó đó chính là cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917.

Tôi nhớ mãi ngày đại lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1967). Khi thấy chúng tôi mặc quân phục Việt Nam đứng trên lễ đài ở thủ đô Minsk của Cộng hòa XHCN Belarusia (nay là Cộng hòa Belarus) thì dòng người Xô viết già trẻ, lớn bé diễu hành qua với cờ hoa rực rỡ đã liên tục hô vang: "Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam muôn năm", "Việt Nam chiến thắng"! Xúc động trước tình cảm yêu mến của người dân Xô viết đối với đất nước và Quân đội ta, chúng tôi càng thấy tự hào là Bộ đội Cụ Hồ.

Nhân dịp 25 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-1969), nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm và chúng tôi đã biểu diễn một chương trình văn nghệ với nhiều bài hát Xô-Việt, trong đó có tiết mục múa sạp với 5 học viên nam mặc quân phục Việt Nam và 5 cô gái trong trang phục dân tộc Thái (do các học viên nam đóng giả vì đoàn học viên quân sự không có nữ).

Đây là tiết mục gây ấn tượng lớn mà chúng tôi hoàn toàn không ngờ tới: Tất cả các bạn trong hội trường đều đứng dậy để xem các học viên Việt Nam nhịp nhàng múa và di chuyển giữa các cặp tre dập liên tục vào nhau tạo ra âm thanh rầm rập theo điệu nhạc. Các điệu nhảy Nga thường cũng rất mạnh mẽ và sôi động nhưng không hề có những đạo cụ như vậy.

Trên thao trường bên bờ Hắc Hải

Chúng tôi đã được huấn luyện toàn diện và đầy đủ như các học viên Liên Xô, thực tập kỹ lưỡng nơi thao trường và dần trở thành những sĩ quan tên lửa vững vàng. Những ngày đầu là các môn học lý thuyết cơ bản về vô tuyến điện tử, sau đó là các môn kỹ thuật cơ sở liên quan đến trang bị, thiết bị cụ thể của bộ đội tên lửa, pháo cao xạ, radar và không quân tiêm kích cũng như chiến thuật hoạt động tác chiến của từng quân, binh chủng.

Trong các phòng thí nghiệm, chúng tôi say mê "khám phá" hàng chục tủ máy với các sơ đồ nguyên lý chi tiết, thuyết minh kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng các khối máy cùng những bài thực hành sử dụng, kiểm tra và sửa chữa.

Những ngày huấn luyện trên thao trường ven biển, chúng tôi miệt mài thực hành các bài tập cơ bản, triển khai và thu hồi khí tài tên lửa trên mọi địa hình, hành quân cơ động ban đêm và thao tác chiến đấu với tất cả các loại mục tiêu trên không trong nhiều tình huống từ đơn giản đến phức tạp nhất.

Trong xe điều khiển, trên các màn hiện sóng chúng tôi thấy rõ các loại máy bay đang hoạt động trong tầm quan sát của đài radar trinh sát P-12 và đài điều khiển tên lửa SNR-75, thực hành phân biệt và bám sát từng loại tiêm kích, cường kích, ném bom, trực thăng địch...

Tôi rất ấn tượng khi thực hành trên xe thu phát, triển khai hệ thống anten phức tạp trên nóc xe và lần đầu tiên trực tiếp ngồi trong cabin quan sát bầu trời và mặt biển Hắc Hải vô cùng trong xanh, tươi đẹp. Bài huấn luyện đầu tiên là thao tác bám sát các máy bay dân dụng đang bay theo nhiều tuyến bay ven biển.

Chúng tôi cũng thực hành bắt mục tiêu trên biển ở chế độ bắn "mặt đất". Đó là các tàu biển cỡ lớn và cỡ trung nên diện tích phản xạ radar rất lớn và không có nhiễu...

Dù nhanh chóng nắm bắt và thực hiện tốt các bài tập này, chúng tôi vẫn được các thầy lưu ý: Mục tiêu địch sẽ không bao giờ cơ động thẳng đều "ngon ăn" như máy bay và tàu dân sự đâu! Điều đó hoàn toàn đúng khi chúng tôi chuyển sang tập đối phó với các loại mục tiêu cơ động nhanh cả về phương vị và góc tà, bay cực thấp, sát mặt đất hoặc rất cao trên tầng bình lưu, trong tình huống đồng thời có nhiều loại nhiễu điện tử cường độ mạnh và địch ồ ạt sử dụng tên lửa chống radar.

Không ít lần chúng tôi gặp nhiều khó khăn để hạ các mục tiêu này trong thời gian quy định. Chính vì vậy, thầy trò Xô-Việt đã phải mất nhiều thời gian, công sức và luyện tập rất kỹ mới đạt được yêu cầu đề ra.

Trung tá, thầy giáo V.Titarenco luôn kiểm tra và nhắc nhở chúng tôi: "Phải nắm thật chắc mọi điều học ở giảng đường vì để sai sót nơi chiến trường sẽ phải trả giá bằng máu của chính mình và đồng đội, là có tội với nhân dân mình".

Ra trường năm 1973, tôi được điều về một trung đoàn tên lửa đang đóng ở Quân khu 4 và vận dụng ngay kiến thức học ở Liên Xô để cùng làm việc với các chuyên gia bạn tới kiểm tra tình hình khí tài của đơn vị.

Vào thời điểm đó, chúng tôi đang căng mình đối phó với loại máy bay trinh sát tầm cao SR-71 của Mỹ vẫn thường bay vào do thám vùng trời Hà Nội rồi ngoặt xuống miền Trung.

Sau đó, chúng tôi lại cùng bạn tiếp tục cải tiến khí tài tên lửa, rồi lên đường tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

NGUYỄN THỤY ANH

 

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga