Tôi đã nhiều lần đi dọc sông Volga, rồi qua Volga Đông đến sông Đông, ghé thăm quê hương Mikhail Solokhov với bộ tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm“ nổi tiếng của ông, trước khi tới thành phố Rostov trên sông Đông.

Cả một vùng lưu vực rộng lớn, phì nhiêu của dòng sông Mẹ trù phú, hiền hòa và màu mỡ đã bao đời gắn bó với nước Nga - nơi có những thảo nguyên bằng phẳng, có thể nhắm mắt đi mà không sợ ngã!

Tôi đắm mình khi hoàng hôn buông xuống, mang theo những áng mây hồng phủ lên cánh đồng hoa tuy-lip rực rỡ sắc màu và nhớ về một thành phố nằm hai bên bờ Volga - thành phố anh hùng Volgagrad .

Thành phố còn giữ lại một khu nhà đổ nát, vết đạn pháo, mảnh bom hằn sâu trên bức tường gạch đỏ.

Ấy là chứng tích của cuộc chiến đấu tốn nhiều xương máu lính Nga và lính Đức vào những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc !

Ở nơi này, mỗi góc phố, mỗi căn nhà đều thấm đẫm máu người bới hàng trăm ngàn, không, là hàng triệu trai tráng ngã gục dưới làn đạn và những mũi lê sắc nhọn lúc cận chiến .

Sau lưng chúng ta là sông Volga !” - Lời nguyền chỉ tiền lên, không có đường lùi đã thúc giục người lính xông về phía kẻ thù và cuối cùng, đã giành chiến thắng dẫu phải chịu tổn thất nặng nề !

Để ghi nhớ chiến công đầy quả cảm của những người lính đã nằm xuống vì đất nước, một khu tượng đài đã được xây dựng từ cuối thập kỷ năm muơi đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, nằm quanh đồi Mamaev .

Bức tượng khổng lồ nặng gần 8.000 tấn bằng bê tông cốt thép, cao 85 mét mang tên “ Bà Mẹ Tô Quốc kêu gọi “ đứng trên đỉnh đồi Mamaev là chủ thể chính toàn khu di tích .

132 1 Nho Ve Ba Me To Quoc Va Thanh Phon Anh Hung Volgagrad

Toàn cảnh thành phố Volgograd từ phía Khu đồi tưởng niệm Mamaev

Đồi Mamaev là mắt xích chủ yếu trong toàn bộ hệ thống phòng thủ của mặt trận Stalingrad, trở thành vị trí trọng yếu trong cuộc chiến đấu chiếm giữ hai bờ sông.

Trong năm 1942 lịch sử, Đồi Mamaev chính là đỉnh cao then chốt trong cuộc phòng ngự bảo vệ thành phố.

Nếu chiếm được đường tới Volga, phát xít Đức sẽ chiếm được con đường thẳng tiến về biển Kaspi và tới vùng Kavkaz, nơi đang khai thác dầu mỏ phục vụ mặt trận.

Ai cũng biết rằng, nếu Stalingrad thất thủ thì toàn bộ đất nước Liên Xô sẽ rơi vào tay phát xít Đức, vì thế, trên bản đồ quân sự, Đồi Mamaev được đánh dấu là Cao điểm 102,0.

Trận quyết chiến Stalingrad kéo dài 200 ngày đêm, từ ngày 17/7/1942 đến ngày 2/2/1943.

132 2 Nho Ve Ba Me To Quoc Va Thanh Phon Anh Hung Volgagrad

Quảng trường Anh hùng 

Vào những tháng cuối năm 1942, những trận đánh ác liệt đã để lại cả khu đồi bị bom đạn cày nát, mảnh đạn pháo trộn lẫn vào đất.

Mùa xuân đầu tiên sau chiến tranh, trên đồi Mamaev hầu như không có cây nào mọc nổi, bởi trên mặt đất dày đặc những mảnh kim loại.

Trận Stalingrad đã trở thành bước ngoặt trong tiến trình cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2.

Nhiều nhà sử học công nhận Trận chiến Stalingrad đã quyết định số phận của toàn thế giới.

Chính vì thế, khi xây dựng khu di tích này, người dân Liên Xô từ khắp mọi miền, đặc biệt là các gia đình có người thân hy sinh trong chiến dịch này, đã về đây trồng cây - mỗi cây biểu tượng cho một người lính - và hàng triệu cây mọc lên xanh tốt, bây giờ, như những cánh rừng ôm ấp vùng đồi Mamaev !

132 3 Nho Ve Ba Me To Quoc Va Thanh Phon Anh Hung Volgagrad

Tượng đài “Ngọn lửa vĩnh cửu”

Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, cuối năm 1945, Nhà nước Xôviết đã mở một cuộc thi thiết kế tượng đài về chủ đề này với quy mô trên toàn quốc.

Đông đảo người dân Liên Xô thuộc mọi tầng lớp đã tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc thi này, từ những chuyên gia về xây dựng, những kiến trúc sư, kỹ sư công trình cho tới những người không liên quan gì đến ngành nghề xây dựng hay điêu khắc.

Một phần những bản vẽ được gửi cho Học viện Nghệ thuật tạo hình, một phần gửi cho Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, một phần khác được gửi ngay cho lãnh tụ I. V. Stalin.

Mất một thập niên tổng kết và đánh giá các thiết kế, Chính phủ Liên Xô đã quyết định chọn bản vẽ của nhà điêu khắc Evgheny Victorovich Vuchetich làm hình mẫu xây dựng tượng đài.

E.V.Vuchetich là một trong những nhân vật danh tiếng trong ngành điêu khắc và xây dựng của Liên Xô, từng 5 lần đoạt Giải thưởng Stalin (1946, 1947, 1948, 1949, 1950).

Hình ảnh Người Mẹ Tổ quốc trong tư thế tiến lên phía trước với thanh kiếm giơ cao, là biểu tượng Tổ quốc đang kêu gọi những người con xông ra trận tuyến chiến đấu chống lại quân thù. Bức tượng kiêu hãnh vươn cao giữa lòng thành phố bên bờ sông Volga đã trở thành biểu tượng của nhân dân Nga về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

132 4 Nho Ve Ba Me To Quoc Va Thanh Phon Anh Hung Volgagrad

Trái tim của trung tâm bờ sông – Đài phun nước “Isskustvo”

Ngày 23/1/1958, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô chính thức ra quyết định khởi công khu phức hợp tượng đài Mamaev và đến tháng 5/1959, việc xây dựng được tiến hành.

Quá trình xây dựng bức tượng kéo dài và gặp rất nhiều khó khăn về cấu trúc, độ bền vững, công nghệ, chi phí công trình không ngừng phát sinh ngoài dự toán.

Tuy nhiên, vượt qua tất cả những khó khăn đó, ngày 15/10/1967, khu tượng đài chính thức được khánh thành sau 22 năm ấp ủ và thai nghén, và kết quả của tất cả những công sức đó thật sự tạo được ấn tượng không chỉ với toàn nhân dân Liên bang Xôviết mà còn với nhiều nước trên thế giới.

Vào thời điểm khánh thành, đó là tượng đài lớn nhất thế giới và kỷ lục này được giữ cho đến năm 1989, khi tượng Đại Quan Âm ở Công viên Kitano Miyako được hoàn tất.

Quần thể các bức tượng, phù điêu, nhà bảo tàng trên Đồi Mamaev và Tượng đài Người Mẹ Tổ quốc là đỉnh cao của nghệ thuật dựng tượng, bằng những hình tượng nghệ thuật cụ thể thông qua những tác phẩm điêu khắc khác nhau, bằng sự hòa hợp kiến trúc điêu khắc với thiên nhiên hùng vĩ, tập thể các tác giả đã truyền tải trọn vẹn khí phách anh hùng của nhân dân Liên Xô thời Chiến tranh Vệ quốc.

Hơn 34.000 di hài của các chiến sĩ tham gia trận đánh Stalingrad cũng được chôn cất tại ngọn đồi này.

Bức tượng Người Mẹ Tổ quốc cao 85m, nặng 8.000 tấn, là công trình điêu khắc có quy mô đồ sộ nhất thế giới vào thời điểm khánh thành ( tác giả công trình điêu khắc kỳ vĩ này là đồng tác giả bức tượng "Người chiến sĩ giải phóng" ở công viên Treptow - Berlin)

Từ dưới chân đồi Mamaev lên tới đỉnh tất cả có 200 bậc thang làm từ đá Granít, ứng với 200 ngày đêm chiến đấu ác liệt của trận đánh Stalingrad.

Để xây dựng bức tượng (không tính phần bệ), người ta đã phải huy động đến 5.500 tấn bê tông cùng hơn 2.400 tấn vật liệu kim loại.

 

Độ dày của lớp bê tông bao ngoài tượng chỉ chừng 25-30 cm. MTrong lòng bức tượng gồm nhiều ô trống, buồng trống và phòng, giống như một tòa chung cư. Độ bền của cấu trúc này được duy trì bởi 99 dây thép kéo căng.

Chiều cao thân tượng Người Mẹ Tổ quốc là 52m, nếu tính cả thanh gươm dài 33m, nặng 14 tấn thì chiều cao của toàn bộ bức tượng lên tới 85m, không tính phần bệ nổi cao 2m và phần bệ đỡ xây ngầm dưới đất 16 mét. Thanh gươm được làm bằng thép đặc biệt, có đục nhiều lỗ để làm giảm áp lực gió.

Ban đêm, đầu thanh gươm được thắp sáng bằng một ngôi sao đỏ.

132 5 Nho Ve Ba Me To Quoc Va Thanh Phon Anh Hung Volgagrad

Mấy chục năm trôi qua, hình ảnh Bà Mẹ Tổ Quốc với thanh gươm giơ cao như vẫy gọi những người con hãy luôn sẵn sàng xông ra trận tiền để bảo vệ đất nước thân yêu vẫn sừng sững bên bờ Volga mênh mông !

Và, dù cách xa, tôi vẫn hằng mong được quay về nơi ấy ....

Vũ Lương Vu

Thời báo NGA - 0.05.2020

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga