Hơn 50 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm trong thời gian học tập tại Liên Xô với Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân) vẫn còn nguyên trong ký ức.

132 1 Be Phong Tu Nuoc Nga

Đồng chí Nguyễn Lành (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm với cô Mai-xê-va (áo trắng), giáo viên dạy Nga văn năm 1980. Ảnh do nhân vật cung cấp

Chiếc huy hiệu mang số 1

Chiều cuối tuần, trong căn nhà đơn sơ ở phố Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), Đại tá Nguyễn Lành lật giở từng tấm ảnh chụp cùng đồng đội và những kỷ vật thời còn là học viên ở Liên Xô. Ký ức những ngày sinh sống và học tập tại xứ sở bạch dương như những thước phim quay chậm hiện về trong ông như vừa mới hôm qua.

Trước yêu cầu nhiệm vụ, khi đang học tại Trường Trung cấp Bưu điện Hà Đông, tháng 12-1965, đồng chí Nguyễn Lành cùng 22 học sinh miền Nam được bổ sung vào quân đội và biên chế về Trung đoàn 216B (tháng 1-1966 đổi thành Trung đoàn Tên lửa 275) với chức danh là kỹ thuật viên phát lệnh. Đại tá Nguyễn Lành nhớ lại: “Bấy giờ, điều kiện chiến tranh nên yêu cầu bảo mật rất cao, chúng tôi huấn luyện được hơn một tháng thì nhận lệnh lên đường nhưng không biết đi đâu. Ngày 15-2-1966, chúng tôi chính thức lên đường bằng tàu hỏa. Ở trên tàu suốt cả ngày đêm, nên tôi chỉ biết hình như mình đang đi sang Liên Xô. Khi tàu qua Bắc Kinh đến Mãn Châu Lý thì chúng tôi được lệnh chuyển sang tàu của Liên Xô”.

Sau gần nửa tháng ngồi trên tàu, đoàn học viên quân sự Việt Nam đến Trung tâm huấn luyện Stan-trai ở sa mạc Xtan-ca (tỉnh Pa-pu thuộc nước Cộng hòa Xô viết A-déc-bai-gian). Lãnh đạo trung tâm cùng cán bộ, chiến sĩ Hồng quân Liên Xô tổ chức đón tiếp đoàn rất nhiệt tình, nồng hậu.

Toàn khóa huấn luyện tại Liên Xô là 6 tháng, trong đó học lý thuyết 3 tháng. Tuy nhiên, sau khi Nguyễn Lành học xong lý thuyết chuyên ngành phát lệnh thì lãnh đạo Trung tâm huấn luyện Stan-trai yêu cầu đổi anh sang học sĩ quan điều khiển. Khi mới chuyển hệ, anh rất bối rối và lo lắng vì chỉ còn 3 tháng cuối không biết có đáp ứng được yêu cầu không. Bởi sĩ quan điều khiển phải được học từ đầu, thường xuyên tiếp xúc khí tài... Khi ấy, biết Nguyễn Lành chưa hiểu gì về sĩ quan điều khiển nên đồng chí giáo viên sĩ quan điều khiển của Trung tâm huấn luyện Stan-trai hướng dẫn, chỉ bảo cho anh tận tình, tỉ mỉ, từng bước một.

Theo quy định của Trung tâm huấn luyện Stan-trai, các tài liệu về khí tài, thao tác chiến đấu... không được mang ra khỏi giảng đường. Vì vậy, trong quá trình học tập trên giảng đường, học viên phải cố gắng nhớ thật nhanh ý nghĩa các núm nút, chức năng từng khối, nguyên lý hoạt động của đài... Quỹ thời gian 3 tháng để học lý thuyết và thực hành chiến đấu thuần thục không phải dễ dàng với Nguyễn Lành nhưng không phải vì thế mà anh nản chí. Kết thúc mỗi buổi huấn luyện, khi về doanh trại, anh suy nghĩ và vẽ lại trên giấy sơ đồ mặt máy, các bộ phận của từng khối. Hôm sau lên lớp, anh đối chiếu với khí tài, sau đó điều chỉnh lại cho chính xác. Với phương châm học như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, Trung sĩ Nguyễn Lành đã nắm chắc sơ đồ mặt máy của tủ điều khiển và các tủ trắc thủ; làm thuần thục tất cả các động tác của một sĩ quan điều khiển. Sau một tháng chuyển sang học sĩ quan điều khiển, mỗi lần vào đầu giờ học, Nguyễn Lành đều được giáo viên chỉ định làm mẫu cho cả lớp.

Cuối khóa huấn luyện, trung tâm tổ chức kiểm tra để chọn 4 sĩ quan điều khiển đi bắn (trong số 8 sĩ quan điều khiển). Kết quả kiểm tra chức năng và kiểm tra lý thuyết, Nguyễn Lành đều đạt 5/5 điểm và được sắp xếp vào bắn đầu tiên trong trung đoàn. Đại tá Nguyễn Lành nhớ lại: “Trước khi vào tuyến chuẩn bị, Thượng úy Nguyễn Duy Biên, Tiểu đoàn trưởng dặn tôi: Lành chú ý nhé! Khi vào bắn, được phép bắn 3 quả cho một mục tiêu và hai loạt là 6 quả”.

Vào thực hành bắn, Trung sĩ Nguyễn Lành đã xuất sắc tiêu diệt 2 mục tiêu (cao không và tầm thấp) chỉ với hai quả tên lửa. Khi mục tiêu tầm thấp bị tiêu diệt, ngay lập tức, đồng chí Tham mưu trưởng trường bắn mở cửa ca bin, kéo Nguyễn Lành xuống rồi công kênh lên vai chạy thẳng vào sở chỉ huy cách đó khoảng 300-400m, hô vang: “Trung sĩ Lành số 1. Trung sĩ Lành số 1”. Trong niềm vui vỡ òa, Thiếu tá Nguyễn Hữu Hùng, Chính ủy trung đoàn chạy theo dặn: “Lành. Nếu bạn hỏi tại sao bắn ít đạn thì cháu cứ nói Việt Nam ít đạn nên phải bắn tiết kiệm”. Vào đến sở chỉ huy, Nguyễn Lành được các bạn đón tiếp với tinh thần nồng nhiệt và cảm phục. Họ nói tiếng Nga với nhau, qua phiên dịch ông được biết: “Từ khi thành lập trường bắn đến nay, chưa ai bắn táo bạo như Trung sĩ Lành cả. Nguyên tắc bắn 2 loạt cho 6 quả mà Lành chỉ bắn 2 quả. Trong lịch sử trường bắn chưa có”.

Với thành tích trên, Trung sĩ Nguyễn Lành được chỉ huy Trung tâm huấn luyện Stan-trai tặng bằng khen và một chiếc huy hiệu mang số 1.

Học viên nổi trội ở Giu-cốp

Kết thúc khóa huấn luyện, tháng 9-1966 về nước, Nguyễn Lành nhanh chóng cùng đồng đội hòa mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những kiến thức học tập ở Liên Xô, được ông vận dụng sáng tạo và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ở vị trí sĩ quan điều khiển, ông cùng kíp chiến đấu bắn rơi 18 máy bay các loại của địch. Trên cương vị tiểu đoàn trưởng, ông chỉ huy đơn vị bắn rơi 3 máy bay của địch.

Năm 1978, Đại úy Nguyễn Lành, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Tên lửa 275 (Sư đoàn Phòng không 375) tiếp tục được cử sang đào tạo ở Liên Xô lần thứ 2. Đại tá Nguyễn Lành kể lại: “Sau khi đến Mát-xcơ-va, tôi và 4 học viên Việt Nam được đưa về Học viện Phòng không quốc gia Liên Xô mang tên Giu-cốp ở thành phố Ka-li-nin, biên chế vào một lớp. Lúc này, Giám đốc học viện là Nguyên soái Giu-min, trước kia là chuyên gia tại Việt Nam. Đồng chí giám đốc học viện biết rất rõ về lai lịch cũng như thành tích của tôi trong chiến tranh nên khi giới thiệu các học viên Việt Nam, nghe đọc đến tên Nguyễn Lành, Nguyên soái Giu-min lập tức đứng dậy đến bắt tay chúc mừng. Sau đó bạn tổ chức đón tôi rất thịnh tình. Vì tại phòng tổng kết chiến tranh của học viện, những hình ảnh do các chuyên gia Liên Xô ghi tại Việt Nam được đưa về đây hầu hết đều có tôi trong đó”.

Trong quá trình học tập tại học viện, tất cả học viên đều được bố trí đến phòng tổng kết chiến tranh để nghiên cứu, học tập như một bài học thực tế. Khi ấy, Nguyễn Lành vô tình trở thành một học viên nổi trội của trường vì nhiều anh em phát hiện ra ông trong các hình ảnh.

Sau khi nhập học được một tuần, ông được Giám đốc Học viện Phòng không quốc gia Liên Xô mời đi nói chuyện chiến đấu tại các khoa của học viện và các trường đại học ở thành phố Ka-li-nin để bạn hiểu thêm về cuộc chiến tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Theo quy định của học viện, nếu năm thứ nhất học viên không thi được đủ điểm thì phải về nước. Do đó, các học viên Việt Nam thường xuyên bảo ban, động viên nhau tích cực học tập.

Đại tá Nguyễn Lành bồi hồi nhớ lại: “Thời gian đầu, chúng tôi học vất vả nhất là môn tiếng Nga. Song chúng tôi rất ấn tượng với cô Mai-xê-va, giáo viên dạy Nga văn theo suốt 4 năm học. Cô chỉ hơn chúng tôi vài tuổi. Ngoài cảm nhận về một cô giáo nhiệt tình, trách nhiệm như một người chị, cô còn mang nhiều nét điển hình của người con gái Nga như: Sự khiêm tốn, thân thiện, giỏi nội trợ, giàu tình yêu thương...

Lúc ấy, tôi là lớp trưởng nên được cô giáo rất quan tâm. Hôm nào cũng vậy, vừa vào lớp, cô cũng gọi: “Ka-pi-tan Lành điểm báo”. Chính vì vậy, vốn tiếng Nga của tôi ngày càng phong phú và tiến bộ lên nhiều”.

Bốn năm học ở Liên Xô, Nguyễn Lành có khá nhiều kỷ niệm về xứ sở bạch dương. Lúc sang đến nơi, các học viên Việt Nam phải nộp hộ chiếu cho Đại sứ quán Việt Nam quản lý. Công tác quản lý học viên ở đây nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học nhưng cán bộ quản lý học viên rất thân thiện. Ngày nghỉ, các học viên Việt Nam thường được cán bộ quản lý học viên Khoa Quốc tế đến thăm nơi ăn, ở và đưa đi tham quan các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của Liên Xô.

Đại tá Nguyễn Lành bày tỏ: “Trước đây, chứng kiến sự nhiệt tình, dũng cảm của các chuyên gia Liên Xô, tôi đã cảm phục tấm lòng cao cả của bạn đối với Việt Nam. Sau này sang đất bạn học tập, cũng như trong những năm vừa qua, tôi mới thực sự thấm thía tình cảm của nhân dân Nga dành cho Việt Nam là vô cùng sâu nặng, thắm thiết”.

Nguồn: NGUYỄN VĂN CHUNG/ qdnd.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga