Năm 1994, gia đình tôi rời nước Nga trở về Việt Nam. Khi đó, tôi mới được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, những câu chuyện về nước Nga từ bố mẹ và người thân đã nuôi dưỡng tình yêu nước Nga trong tôi…

Những ngày đầu đời đặc biệt

Ngay từ khi bắt đầu biết nghe kể chuyện và lật giở các trang sách báo, tôi đã có ấn tượng đẹp về nước Nga. Còn nhớ, mỗi lần sang chơi nhà ông bà ngoại, bà tôi lại lấy ra những tập album dày. Chỉ cho tôi xem từng bức ảnh, bà kể lại quãng thời gian bà đến Moscow thăm bố mẹ tôi, cũng là để phụ giúp chăm sóc tôi khi đó vừa mới chào đời. Trong số những bức ảnh bà ngoại lưu giữ, tôi đặc biệt ấn tượng về một bức ảnh chụp mẹ và bà, bên cạnh là tôi đang nằm trong xe nôi. Bức ảnh cứ in đậm trong tâm trí tôi mãi vì màu sắc chủ đạo của nó là sắc vàng của những cây phong thay lá. Bà tôi cầm những chiếc lá phong to hơn bàn tay người lớn. Lá vàng phủ kín các tán cây, lối đi, thảm cỏ. Bà kể rằng, đó là lúc Moscow vào thu, mùa đẹp nhất trong năm của thành phố. Thế là khi còn tấm bé, tôi đã khắc ghi rằng: Moscow là thủ đô của nước Nga, có mùa thu vàng đẹp lắm!

132 1 Nuoc Nga Trong Trai Tim Toi Co Mot Nuoc Nga Nhu The

Sau này, mẹ tôi kể thêm rằng hàng cây phong rực rỡ trong bức ảnh chụp mẹ đẩy xe nôi đó là ở một công viên nằm bên cạnh Tu viện Novodevichy. Nơi ấy có một nghĩa trang rất nổi tiếng, là nơi an nghỉ của hàng trăm danh nhân trong lịch sử Liên Xô, như: Nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich, nhà văn Aleksey Tolstoy hay đạo diễn Sergei Eisenstein. Cùng với nhiều câu chuyện khác của mẹ, tôi hình dung được một Moscow rộng lớn, hùng vĩ với nhiều danh lam, thắng cảnh cổ kính.

Tôi không bao giờ quên được bức ảnh chụp nhà hộ sinh số 2 nằm trên phố Bolshaya Pirogovskaya nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Vì nhiều lý do, tôi đã “đòi” ra đời sớm, khi mới nằm trong bụng mẹ chưa đầy 8 tháng. Mẹ tôi hồi tưởng lại rằng khi ấy tôi chỉ nằm gọn trong hai lòng bàn tay khum lại của một bác sĩ người Nga và vô cùng yếu ớt. Mẹ thậm chí còn không kịp ẵm tôi do các bác sĩ quyết định phải chuyển tôi ngay lập tức đến một bệnh viện nhi là nơi duy nhất ở Moscow có đủ cơ sở vật chất để cứu sống tôi lúc bấy giờ. Và thế là tôi đã dành những ngày đầu đời trong cái lồng kính. Đó cũng là quãng thời gian vô cùng vất vả của cha tôi vì hằng ngày ông vừa phải chăm sóc mẹ, vừa phải thăm tôi, trong khi hai người ở hai đầu thành phố. Nhờ có tình thương yêu của gia đình cùng tài năng và sự tận tâm của các y sĩ, bác sĩ Nga, tôi đã khỏe lên nhanh chóng. Sau 21 ngày nằm lồng kính, cuối cùng tôi cũng được đón ánh nắng Moscow lần đầu tiên trong vòng tay của cha, mẹ và bà ngoại.

132 2 Nuoc Nga Trong Trai Tim Toi Co Mot Nuoc Nga Nhu The

Bà ngoại, mẹ và tác giả (nằm trong xe nôi) chụp ảnh tại công viên cạnh Tu viện Novodevichy

Mẹ tôi kể lại rằng, sau khi đưa tôi về căn hộ nơi cha mẹ cư trú, hằng ngày có một bác sĩ của khu dân cư đến, tận tình hỏi thăm sức khỏe của tôi, đưa ra rất nhiều lời khuyên về cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Cứ đều đặn 3 ngày một lần, một nữ y tá lại tới nhà để đưa sữa và làm những bài tập vật lý trị liệu dành cho trẻ sinh thiếu tháng. Mẹ nói nếu không có chế độ chăm sóc kỹ lưỡng ấy, có lẽ tôi đã không thể lớn lên khỏe mạnh được như những đứa trẻ bình thường khác.

Bánh mì đen, muối trắng và rượu vodka

Đến tuổi đi học, được cha mẹ truyền cảm hứng, bên cạnh những bài tập đọc, tập viết ở trường, tôi bắt đầu tìm đến tủ sách của cha. Chẳng mấy chốc, tôi chú ý đến những bìa sách có tên tác giả ghi bằng một thứ tiếng lạ lẫm mà cha tôi bày ở vị trí trang trọng, dễ thấy nhất trên tủ. Sau khi hỏi cha rằng những tác giả đó là ai, cha đã mua tặng tôi tác phẩm văn học Nga đầu tiên: Một quyển tuyển tập truyện cổ tích và ngụ ngôn Nga. Trí tưởng tượng con trẻ của tôi lúc đó được thả mình vào những mẩu truyện ấy. Lớn hơn một chút, tôi tiếp tục bị cuốn hút vào những tác phẩm dành cho trẻ em nổi tiếng, như: “Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kỳ của Buratino” của Aleksey Tolstoy hay “Ông già Khottabych” của Lazar Lagin. Đọc những câu truyện đậm chất Nga này, tôi lúc đó có rất nhiều câu hỏi về những nét khác biệt của văn hóa Nga so với Việt Nam. Mỗi lần giải đáp thắc mắc của tôi, cha thường kể về những trải nghiệm của ông ở xứ sở bạch dương, xoay quanh những người Nga mà ông gặp trong những lần chu du khắp đất nước rộng lớn ấy, từ Leningrad (Saint Petersburg ngày nay) thơ mộng, đến Vladivostok ở vùng Viễn Đông xa xôi. Dù là trí thức, công nhân hay nông dân, họ đều có điểm chung là chất phác, thật thà, hiếu khách và trọng nghĩa tình.

Một lần cha tôi đến thăm nhà một người bạn Nga, ngay sau khi vừa cởi áo khoác ngoài, chủ nhà-cha của người bạn-đã niềm nở chào đón ông bằng một cái ôm nồng hậu. Lớn lên ở vùng trồng lúa mì ngoại ô Stalingrad (Volgograd ngày nay), người nông dân Nga ấy chưa từng gặp người nước ngoài nào trong đời. Vì vậy, ông tỏ ra vô cùng hào hứng khi con trai dẫn bạn ngoại quốc đến thăm nhà. Hơn thế, đó còn là một người từ Việt Nam, đất nước đã chiến thắng đế quốc Mỹ mà ông từng được nghe qua đài phát thanh. Sau khi mời khách ngồi xuống ghế ở phòng khách, ông chủ nhà liền mang một đĩa bánh mì đen, muối trắng và hai ly rượu vodka lớn ra mời. Với người Nga, bánh mì đen, muối và rượu vodka dân dã là “quốc hồn quốc túy” quý giá còn hơn cả sơn hào hải vị. Sau khi cha tôi uống hết ly rượu, ăn một miếng bánh mì chấm muối, người chủ nhà vỗ vai và nói: “Giờ cậu với tôi là người một nhà!”.

Xa hơn những tác phẩm dành cho trẻ em và chuyện kể của cha, khi bước vào tuổi trưởng thành, tôi tìm đọc “Sông Đông êm đềm” của Mikhail Sholokhov, “Thuyền trưởng và Đại úy” của Veniamin Kaverin hay “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A. Ostrovsky. Tôi được biết tới giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc” của nước Nga Xô viết những ngày mới thành lập. Sau đó là cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại mà hàng triệu người Liên Xô đã ngã xuống để tham gia bảo vệ thế giới khỏi chủ nghĩa phát xít. Để vượt qua được những thời khắc gian khổ ấy, động lực lớn nhất của họ chính là tình yêu đối với gia đình, quê hương, đất nước. Tinh thần đó tôi có thể cảm nhận rõ rệt nhất mỗi khi xem cuộc tuần hành “Trung đoàn Bất tử” hằng năm trên khắp thế giới.

“Za Rodinu!”

Sau này, tôi cũng có dịp được gặp gỡ nhiều người bạn của cha, mẹ từng có thời gian học tập tại Nga. Có người đã ở lại đất nước ấy định cư và trở về thăm quê nhà. Có người đã trở về Việt Nam và chưa có dịp quay lại. Thế nhưng mỗi khi gặp nhau, câu chuyện của họ đều xoay quanh thời tuổi trẻ ở xứ sở bạch dương.

Có một vài người chú, người bác trong số đó là cán bộ quân đội, từng được cử đi học tại các trường quân sự ở Liên Xô. Họ không bao giờ quên những năm tháng đáng tự hào ấy. Trong mắt các thầy cô, bạn bè nước ngoài, những thanh niên nhỏ bé, gầy gò đến từ Việt Nam là những người con của một đất nước anh hùng đã đánh thắng nhiều cường quốc. Tôi ấn tượng nhất với một người bác đứng tuổi, luôn nâng ly rượu đầu tiên trong những buổi họp mặt với câu nói “Za Rodinu!” dõng dạc. Bác giải thích cho tôi rằng, câu nói đó có nghĩa là “Vì Đất Mẹ!”, tiếng hô xung trận mà các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô sử dụng trước khi tiến công. Câu nói ấy trở thành một truyền thống của các học viên tại ngôi trường nơi người bác ấy từng học. Không phân biệt màu da, quốc tịch, mọi học viên đều hô vang câu nói ấy trong những dịp ăn mừng đặc biệt. Bác chia sẻ rằng, dù lúc đó mọi người cùng nói tiếng Nga nhưng tất cả đều tâm niệm đó là lời dành cho Tổ quốc, Đất Mẹ của từng người, và với bác chính là Việt Nam thân yêu.

Qua những trải nghiệm của người đi trước, tình cảm với đất nước nơi tôi sinh ra cứ thế lớn dần dù tôi chưa từng có dịp trở lại thăm. Tôi nung nấu ý định rằng nhất định một ngày sẽ phải tận mắt chiêm ngưỡng mùa thu vàng ở Moscow, đi dạo trên những con đường mà cha mẹ đã cùng nhau tản bộ thời thanh xuân.

HOÀNG MINH TRÍ

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga