Hơn 8 năm trước, chuyến bay quốc tế chở đoàn công tác chúng tôi đáp xuống sân bay quốc tế Vnukovo 2 ở Moscow (Liên bang (LB) Nga) lúc 13 giờ 15 phút, giờ địa phương.

Từ sân bay về trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Moscow là một quãng đường khá xa nên khi ngồi trên xe buýt, chúng tôi có dịp được ngắm nhìn hai bên đường với những rừng bạch dương trắng và nắng nhuộm vàng trên vòm lá. Bất giác, tôi hát nhè nhẹ ca khúc "Chiều ngoại ô Moscow" của nhạc sĩ Vasili Solovyov Sedoy, lời của nhà thơ Mikhail Matusovsky: Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào/ Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu/ Hỡi em, thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến/ Moscow trong chiều vắng thanh bình...

Tôi học tiếng Nga thời trung học phổ thông và đại học, biết nước Nga qua những trang họa báo in màu, giấy trắng rất đẹp và từng ước mơ một lần đến nước Nga... Giờ Moscow hiện ra trước mắt, khiến lòng tôi rưng rưng.

132 1 Dem Trang O Moscow

Theo chương trình, buổi gặp mặt của lãnh đạo Nhà nước ta với các cựu chiến binh, cựu chuyên gia Nga từng công tác ở Việt Nam diễn ra từ 17 giờ ngày 26-7-2012. Nhưng mới hơn 16 giờ, các cựu chiến binh, cựu chuyên gia và người thân trong gia đình đã đến trụ sở Đại sứ quán Việt Nam, trên tay là những bó hoa tươi thắm. Dù "võ vẽ" chút tiếng Nga nhưng tôi không thể diễn tả được hết những ý của mình khi trò chuyện với các bạn Nga, đành nhờ các đồng chí Tùy viên quân sự Việt Nam tại LB Nga dịch giúp.

Chị Natalia Lupinogova là con gái của ông Vitali Smirnov, một trong những chuyên gia người Nga trong đội hình chuyên gia Liên Xô sang giúp nước ta những năm kháng chiến chống Mỹ. Ông Vitali Smirnov đã hy sinh trong một trận đánh trả máy bay Mỹ khi chúng đánh phá miền Bắc, năm 1967. Chị Natalia Lupinogova xúc động nói: "Nhận được giấy mời từ Đại sứ quán Việt Nam tham dự cuộc gặp mặt của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam với các cựu chiến binh, cựu chuyên gia công tác ở Việt Nam, tôi thao thức từ mấy đêm qua, mong đến ngày này. Bố tôi hy sinh tại Việt Nam, mẹ tôi rất yếu nên tôi thay mặt gia đình đến dự. Trong cuộc gặp mặt này, gia đình tôi còn được nhận món quà từ Nhà nước Việt Nam và của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga tặng. Tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho gia đình tôi, những cựu chiến binh, cựu chuyên gia Nga thật là trân quý. Tôi cảm nhận được sự tri ân, chí tình, chí nghĩa và sự thủy chung của nhân dân Việt Nam. Bó hoa tươi thắm này tôi dành tặng các bạn Việt Nam"...

132 2 Dem Trang O Moscow

Tranh thủ trước giờ gặp mặt, qua phiên dịch của đồng chí Tùy viên quân sự Việt Nam, tôi hỏi chuyện ông Nikolai Nikolaevich Kolesnik, Hội trưởng Hội Cựu chuyên gia quân sự LB Nga giúp Việt Nam trong chiến tranh. Ông hào hứng kể:

- Mùa xuân năm 1965, tôi nhận nhiệm vụ sang Việt Nam làm chuyên gia quân sự. Tôi biết khi ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đang diễn ra ác liệt. Không quân Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc. Để giúp Việt Nam chống trả không quân Mỹ, Đảng, Nhà nước Liên Xô quyết định viện trợ cho Việt Nam các hệ thống tên lửa hiện đại. Nhiều chuyên gia Nga đã huấn luyện, hướng dẫn cán bộ, kỹ thuật viên của Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng tên lửa tại Liên Xô và trực tiếp sang Việt Nam. Tôi vinh dự là chuyên gia của Trung đoàn 236-trung đoàn tên lửa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi đã đem tất cả lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm để huấn luyện, hướng dẫn bộ đội Việt Nam khai thác, điều khiển tổ hợp tên lửa và các trang thiết bị kỹ thuật quân sự hiện đại. Với sự hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia quân sự Liên Xô, các đơn vị tên lửa của Trung đoàn 236 đã đánh trận đầu tiên, bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống phi công vào ngày 24-7-1965. Tinh thần chiến thắng trận đầu đã cổ vũ bộ đội tên lửa Việt Nam và các chuyên gia chúng tôi. Đêm 11-8-1965, tại trận địa tên lửa đặt cách thị xã Phủ Lý (nay là TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam-PV) không xa, tôi tham gia cùng bộ đội tên lửa Việt Nam trực tiếp chiến đấu và bắn rơi máy bay Mỹ. Tôi rất khâm phục tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm và rất sáng tạo của bộ đội tên lửa Việt Nam. Ngày đêm các bạn trực trên chiến hào, sẵn sàng giáng trả những đợt oanh kích của máy bay Mỹ. Cán bộ kỹ thuật và bộ đội tên lửa Việt Nam rất thông minh, tiếp thu nhanh, nắm vững tính năng kỹ thuật, chiến thuật và vận dụng sáng tạo trong chiến đấu...".   

Ông Nikolai Nikolaevich Kolesnik tiếp tục trải lòng: "Tôi đã có những năm tháng gian khổ, nhưng rất đẹp đẽ ở Việt Nam! Chính những năm tháng ấy đã giúp tôi trưởng thành. Trong chiến tranh, sự hy sinh là khó tránh khỏi. Tôi biết, gia đình tôi cũng rất lo lắng khi tôi công tác ở Việt Nam. Song, đối mặt với chiến tranh, sự hy sinh, bộ đội và nhân dân Việt Nam rất dũng cảm, vì lý tưởng bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước. Từ lẽ đó, tôi cũng không nề hà, đóng góp nhỏ bé sức mình cho đất nước các bạn. Việt Nam là một phần trong trái tim và luôn là ký ức sống động của tôi. Chính vì thế, khi trở về nước Nga và cho đến bây giờ, tôi luôn quan tâm, theo dõi tin tức về Việt Nam, về công cuộc đổi mới và sự phát triển của đất nước các bạn".

Qua câu chuyện với ông Nikolai Nikolaevich Kolesnik, tôi được biết, trong những năm quân dân ta kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Liên Xô đã cử hàng vạn cán bộ, tướng lĩnh, quân nhân, chuyên gia quân sự giúp Việt Nam, trong đó có hàng nghìn người Nga. Hội Cựu chuyên gia quân sự LB Nga giúp Việt Nam trong chiến tranh lấy ngày 5-8 hằng năm (ngày quân và dân miền Bắc Việt Nam đánh thắng trận đầu với không quân Mỹ) làm ngày gặp mặt truyền thống. Hội có nhiều hoạt động như gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi, giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống. Hơn 10 năm qua, hội là cầu nối với Đại sứ quán Việt Nam, tổ chức cựu chiến binh LB Nga để cung cấp tư liệu, xác minh thông tin và tham gia giới thiệu, lựa chọn các cựu chiến binh, cựu chuyên gia trở lại thăm Việt Nam theo lời mời của Nhà nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam. Hội cũng đề xuất người có công, các cựu chiến binh, cựu chuyên gia công tác ở Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn để Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga tặng quà, tri ân. Ông Nikolai Nikolaevich Kolesnik rất cảm động về tình nghĩa, lòng thủy chung của các bạn Việt Nam. Ông nói: "Tri ân những người có công là truyền thống, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Vì thế, với Việt Nam, nghĩa tình chúng tôi không quên và giữ mãi"...

Trong câu chuyện, ông Nikolai Nikolaevich Kolesnik hỏi về công việc của tôi. Tôi trả lời, tôi sinh ra 3 năm sau khi ông đến Việt Nam làm chuyên gia. Tuy lớn lên khi đất nước đã hết chiến tranh và bước vào công cuộc đổi mới, nhưng qua những trang sách, câu chuyện của thế hệ đi trước, tôi rất cảm phục về sự giúp đỡ của Nhà nước, nhân dân Liên Xô, trực tiếp là các chuyên gia quân sự và trên các lĩnh vực khác. Hồi niên thiếu, tôi đã gặp các chuyên gia Liên Xô làm việc ở Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương) gần nhà tôi. Rồi thầy giáo dạy tiếng Nga kể cho chúng tôi nghe về đất nước Liên Xô, đất nước Nga, văn hóa Nga... Tôi còn kể với ông về những chuyên gia Nga và Liên Xô mà tôi đã gặp (với tư cách nhà báo), khi họ trở lại thăm Việt Nam, để viết bài thông tin, tuyên truyền. Trong các đoàn đến, nhiều người như ông, là chuyên gia quân sự, là thầy giáo, giảng viên của trường đại học, học viện quân sự Liên Xô và LB Nga. Tất cả đều bày tỏ tình yêu với đất nước, con người Việt Nam... Ông Nikolai Nikolaevich Kolesnik cười bảo: "Thời gian trôi đi nhanh quá, thế mà với Việt Nam, tôi nghĩ chỉ như mới đây thôi. Tôi nhớ những con đường giao thông lổn nhổn "ổ gà", những hố bom trên đồng ruộng, những đêm báo động khi máy bay Mỹ đến đánh phá"...       

Cuộc gặp mặt hôm ấy kéo dài hơn dự kiến và sau đó là vào tiệc liên hoan. Đã hơn 22 giờ mà những câu chuyện giao lưu như chưa dừng lại. Tôi nhớ đến Đại tá Boris Bazarov, nguyên Trưởng đoàn Cựu chuyên gia quân sự Nga khi sang thăm Việt Nam. Ông xúc động nói: "Tôi và một số đồng đội rất phấn khởi được Nhà nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam mời trở lại thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp. Khi thăm lại các vùng đất, trận địa năm xưa, tôi bồi hồi, bao kỷ niệm ùa về. Tình bạn, tình hữu nghị, thủy chung giữa những người bạn Việt Nam và LB Nga, trải qua những trận chiến đấu khốc liệt trong chiến tranh không bao giờ bị lãng quên. Ngày ấy và bây giờ, đối với những cựu chuyên gia quân sự chúng tôi, làm được gì cho Việt Nam, chúng tôi sẽ làm hết sức mình. Dù còn nhiều người, các cựu chiến binh, cựu chuyên gia Liên Xô và LB Nga từng công tác ở Việt Nam, từ khi về nước đến nay chưa có dịp trở lại Việt Nam, nhưng những ký ức về đất nước các bạn là những gì ấm áp nhất, tươi sáng nhất trong trái tim chúng tôi. Chúng tôi rất vui được biết, trên đất nước Việt Nam sẽ xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ chuyên gia Nga tại Cam Ranh (Khánh Hòa); có những di tích trận địa tên lửa phòng không để ghi dấu chiến công, trong đó có sự đóng góp của chuyên gia Liên Xô và LB Nga"...  

Bầu trời Moscow hôm đó, dù khuya vẫn sáng hồng. Và đến tận bây giờ, tôi vẫn tin chắc rằng, đêm hôm ấy, với các cựu chiến binh, cựu chuyên gia quân sự LB Nga lại là một đêm trắng!  

Nguồn: Bài và ảnh: ĐÌNH XUÂN/ QĐND

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga