Quãng thời gian học trung học từ cấp một đến cấp ba, tôi luôn gắn liền với tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ biến trên thế giới vì nó thuộc chương trình đào tạo của Nhà trường. Có lẽ, cuộc đời của tôi sẽ mãi gắn liền với tiếng Anh cho đến một ngày bước vào giảng đường đại học – ngày mà tôi biết đến đất nước, con người xứ sở Bạch Dương.

Trường đại học của tôi dạy 4 ngoại ngữ, gồm: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và Tiếng Nga. Căn cứ vào tình hình số lớp, nhà trường sẽ phân bổ lớp nào sẽ học ngôn ngữ nào chứ không phải dựa trên lựa chọn của sinh viên. Khi mới nhận được thông báo lớp của chúng tôi được phân học tiếng Nga, tôi khá buồn vì tiếng Nga không được phổ biến cho lắm. Hơn nữa vào lúc đó, đất nước Nga và con người của Nga không có nhiều ấn tượng trong tôi ngoài môn học lịch sử thời phổ thông được dạy về cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Hồng quân Liên Xô đánh thắng phát xít Đức ở Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trở thành một người yêu tiếng Nga, con người, đất nước Nga

Cuốn giáo trình đầu tiên mà chúng tôi học là Дорога в Россию (Doroga v Rossiyu – Đường đến nước Nga). Ban đầu tôi hơi sốc khi cầm trên tay cuốn sách, nó là một hệ ngữ mới với nhiều bạn học sinh phổ thông vì không phải chữ la tinh mà là Slav – một hệ ngữ khó, không phải dễ dàng đối với một người mới bắt đầu, và đặc biệt là với tôi, một người học Ban tự nhiên, không quá giỏi giang, hứng thú với ngoại ngữ.

Nhưng tiết học đầu tiên, tôi đã có sự thay đổi về tâm lý từ chán trường trở nên hứng thú hơn với môn học. Cô giáo là một con người rất yêu quý nước Nga, cô chưa vội giảng về bảng chữ cái mà bắt đầu kể về đất nước, con người Nga – một đất nước, con người anh hùng, một thiên nhiên Nga tươi đẹp, trù phú. Sau đó là những kỷ niệm của cô trong chương trình hợp tác về đào tạo đối với giáo viên tiếng Nga sang tập huấn tại Liên bang Nga.

132 1 Duong Den Nuoc Nga Cua Toi Tu Yeu Tieng Nga Den Co Hoi Lon O Nga

Một góc của Công viên Hải quân tại Moscow. Ảnh: Lenta.

Nhờ sự hợp tác giáo dục của Liên bang Nga và Việt Nam, những giáo viên dạy tiếng Nga ở trường tôi và rất nhiều trường khác đang giảng dạy tiếng Nga ở Việt Nam được trải qua một quãng thời gian được sinh sống và làm việc ở Liên bang Nga. Họ trở về và truyền lại những minh chứng sinh động, thực tế cuộc sống, con người, thiên nhiên và lịch sử của nước Nga cho học sinh, sinh viên. Những điều này đã đưa chúng tôi đến một đất nước Nga không gói gọn, khô khan trong sách vở, mà đó là những câu chuyện vui, thường nhật của người Nga, như trước khi đi thi, các bạn Nga sẽ không cắt tóc, đặt một đồng xu bên trong giày vào ngày thi để nhận được sự may mắn. Người Nga cũng rất thích đùa, rất hài hước và pha trò, họ thường thêm vào trong câu nói những câu thoại hài hước từ những bộ phim nổi tiếng.

Với giáo trình Doroga v Rossiyu, những lứa học sinh, sinh viên chúng tôi được hiểu hơn về lịch sử nước Nga, những nhà khoa học, những con người tài ba đến từ nước Nga như Lomonosov, Mendeleev, một chút văn học với lược sử về nhà thơ, nhà văn như Puskin, Gogol, Sekhov,… cùng với thiên nhiên Liên bang Nga tươi đẹp. Ước mơ được một lần đặt chân đến nước Nga cứ lớn dần trong tôi sau mỗi bài giảng, mỗi tiết học tiếng Nga.

Cơ hội lớn, đường đến nước Nga của tôi

Nằm trong chương trình hợp tác giáo dục giữa Liên bang Nga và Việt Nam, hằng năm Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội đều tổ chức kỳ thi Olympic tiếng Nga dành cho sinh viên các trường đại học dạy và học tiếng Nga chuyên và không chuyên. Năm 2015, cô giáo động viên sinh viên tham gia, tôi may mắn vượt qua vòng sơ loại và đến với vòng thi cuối cùng về hỏi đáp. Tôi nhận được câu hỏi: “Em hãy nói về thiên nhiên nước Nga tươi đẹp”. Đây là một câu hỏi khó đối với những người mới chập chững học tiếng Nga như tôi. Với những gì đã được học, tôi đã kể về một Siberia trù phú về thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, nhất là khí đốt. Về những rừng cây Bạch Dương dài rộng thơm ngát, dòng sông Volga dài rộng,…

Ban đầu, mục tiêu chúng tôi đến với cuộc thi là cùng giao lưu, học hỏi với những con người yêu tiếng Nga và được giới thiệu thêm về Liên bang Nga.

Nhưng sau khi nhận được kết quả, tôi được giải nhất của cuộc thi, kèm theo đó là học bổng toàn phần tại một trường Đại học tại Liên Bang Nga, tôi mới biết được rằng đây là một cuộc thi nằm trong chương trình phối hợp giáo dục giữa Liên bang Nga và Việt Nam, tạo điều kiện cho các sinh viên Việt Nam, những con người yêu tiếng Nga, yêu nước Nga được đến học tập tại xứ sở Bạch Dương. Đến năm 2020, đã là lần thứ XVII cuộc thi được tổ chức và đã tạo điều kiện cho hàng trăm sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập tại Liên Bang Nga.

Tôi đã mơ mộng rất nhiều việc được ngắm đất nước mùa Đông tuyết trắng, mùa thu rực rỡ lá vàng. Nếu như đến nước Nga, tôi sẽ đến thành phố Saint Petersburg để ngắm đêm trắng; đặt chân đến Quảng trường Đỏ, Điện Kremlin. Nhưng tiếc là lúc đó tôi đang là học viên năm thứ 4 của một trường Công an, bản thân luôn đề cao tinh thần cống hiến vì đất nước và nhân dân, chấp hành mệnh lệnh và nhiệm vụ, tôi chọn phương án là ở lại phục vụ Tổ quốc.

Năm năm trước, tôi lỗi hẹn với nước Nga, nhưng có một điều tình yêu về đất nước, con người nơi đây tôi sẽ giữ mãi. Tôi sẽ truyền lại tình yêu về nước Nga cho người thân, những người đã và đang có ý định tìm hiểu về đất nước, con người nơi đây, đặc biệt là con gái bé bỏng của tôi để tiếp bước một ước mơ còn dang dở của bản thân.

NGUYỄN TUẤN ĐỨC- THOIBAONGA.COM

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga