Cuộc sống mấy ngày đầu ở Nga của tôi không may mắn như mấy bạn sang cùng đoàn. Tôi không biết bất kỳ chữ cái nào trong bảng chữ cái tiếng Nga, không có bất kỳ ai là người quen hay thậm chí là người quen của người quen.

Điều duy nhất tôi có thể làm không phải là quay đầu lại, mà tiếp tục bước đi, chờ ngày quay trở về quê hương, ôm tất thảy những yêu thương vào lòng...

Tôi sinh ra và lớn lên ở chốn làng quê quanh năm thơm mùi đồng ruộng. Bố mẹ tôi cả năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để bươn chải, mong sao gia đình có cuộc sống đủ ăn, đủ mặc. Tôi nhớ những năm bố vắng nhà để buôn bán trên Điện Biên - nơi rừng thiêng nước độc, nhớ tấm lưng mẹ ướt đẫm mồ hôi bởi cái nắng tháng sáu sau cả một ngày vất vả, nhớ những đêm ngủ chưa đủ giấc, mẹ gọi dậy lúc ba giờ sáng giúp mẹ đi cấy lúa...

132 1 Du Hoc La Buoc Truong Thanh Dau Tien

Không biết có phải khi quá quen thuộc với một hoàn cảnh sống, người ta có thể gắn bó với nó, chịu đựng nó, không mong ước gì hơn hay không. Nhưng hai từ du học dường như chưa bao giờ có trong suy nghĩ của tôi... Cho đến ngày tôi gạt nước mắt, vẫy tay nói tiếng tạm biệt với gia đình, bước vào phòng cách ly để bắt đầu chuyến hành trình đến với nước Nga.

Tất cả tài sản của tôi là nỗi mong mỏi nhớ thương của gia đình và số tiền sinh hoạt phí của 3 tháng phải sử dụng trong 6 tháng. Đến bây giờ thi thoảng tôi còn man mác trong lòng cảm giác tủi thân khi xung quanh không một người quen biết. Tôi lạc lõng giữa một thế giới “đông người” nhưng không thể hiểu được những gì họ nói.

Tôi ở Nga đến nay là năm thứ ba và đã quen với cuộc sống không có chung điểm bắt đầu với mình. Giờ đây, bên cạnh tôi là những người bạn thân luôn quan tâm, giúp đỡ, cùng sẻ chia những nỗi niềm của người con xa quê. Tôi cũng có thể hạnh phúc cả ngày chỉ bởi một nụ cười vô tình được trao đi của một người không quen, có thể một mình lang thang những con đường mà trước đó tôi chưa từng đặt chân đến, có thể đi dạo loanh quanh và quay trở về ký túc khi đồng hồ điểm 12 giờ...

132 2 Du Hoc La Buoc Truong Thanh Dau Tien

Tôi từng hỏi mình có gì từ một chuyến du học? Một môi trường học tập tốt? Một tương lai mà người ta vẫn nói là sáng hơn? Hay một tuổi trẻ đầy trải nghiệm? Câu trả lời của tôi là được và mất. Bởi, du học lấy đi của tôi rất nhiều và cũng đem lại cho tôi rất nhiều. Lựa chọn du học là tôi đã bắt mình phải học cách phải chấp nhận. Tôi chấp nhận những khó khăn, xa xôi, tủi hờn và cả sự đổi thay.

Có lẽ đối với những người sống xa gia đình, điều đáng sợ nhất là không kịp nói lời từ biệt với một người ra đi vĩnh viễn. Năm đó, những ngày ở Việt Nam, hoa đào bắt đầu nở trong cái rét của tháng mười hai, tôi đang ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi hết học kỳ một thì nhận được tin bà nội vừa mất. Khi đó, điều khiến tôi day dứt là cảm giác mất mát, hụt hẫng khi chưa kịp nghe bà nói những lời cuối cùng. Tôi đã phải mất một thời gian dài mới vượt qua được cú sốc ấy. Hóa ra, khi con người ta sống xa quê hương, xa cả một miền yêu thương thân thuộc, trái tim yếu đuối dễ tổn thương và cũng trở nên nhạy cảm đến lạ thường.

Đi qua mất mát, tôi trưởng thành lên nhiều. Tôi nhận ra giá trị của yêu thương và trân trọng những người ở bên cạnh mình. Tôi thương nhiều hơn nỗi vất vả, lắng lo của mẹ, thấu hiểu hơn những lời dặn dò của bố mà trước đây tôi vẫn coi như gió thoảng qua tai, cảm nhận sâu sắc về sự quan tâm, yêu thương của hai đứa em nhỏ dành cho mình...

Tôi không biết còn bao nhiêu những khó khăn, mất mát đang chờ phía trước, nhưng tôi biết rằng chẳng có con đường nào trải hoa hồng. Tôi đã chọn một ngã rẽ cho con đường của mình. Và điều duy nhất tôi có thể làm không phải là quay đầu lại, mà tiếp tục bước đi, chờ ngày quay trở về quê hương, ôm tất thảy những yêu thương vào lòng...

Bạch Lăng

Nguồn: VNexpress.net

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga