“Đi Tây sướng thế còn gì!”, “Đi du học Nga thích thật, được đi du lịch nhiều nơi, biết đây biết đó.”, v.v. – đấy là những cái mác người ta vẫn gán cho dân du học Nga hay du học chung.

Rằng đi du học Nga là hưởng thụ, là ăn chơi, là mua sắm đồ xịn, là du lịch đây đó, là thoải mái tung hoành mà không ai quản lý, là khi trở về sẽ có một tương lai tươi sáng.

132 1 Du Hoc Nga Co Phai La Thien Duong

Nếu bạn đã quyết tâm xách hành lý lên để theo con đường du học “trải đầy hoa hồng”, thì cũng nên chuẩn bị tâm lý và xác định rõ ràng, mình có đủ sức chịu đựng để bước qua cả gai hoa hồng trên con đường tưởng chừng như mềm mượt ấy hay không.

Bài viết không mang mục đích làm thui chột quyết tâm cao độ của các bạn đang có ý định du học Nga. Tôi chỉ muốn mang đến cho các bạn một cái nhìn chính xác hơn về cuộc sống “đích thực” của du học sinh

1. Xa gia đình

Điều đầu tiên, không cần nói mà ai cũng biết, là xa gia đình. Đừng nghĩ ở lâu rồi dần dần sẽ quen. Tôi cũng thường tự nhủ như thế, và có lẽ cũng đúng như thế thật.

Nhưng cứ đến khi áp lực học hành, ốm đau, hoặc đơn giản chỉ cần nhìn cảnh hai mẹ con người Nga đi trên đường dắt tay nhau thôi, đã đủ cho mình day dứt cả tuần vì nhớ nhà, muốn mua vé bay ngay về Việt Nam rồi. Nhiều khi muốn gọi về cho bố mẹ để xoa dịu nỗi nhớ, nhưng cũng phải chọn lúc tỉnh táo mà gọi. Đang ốm, đang nhớ nhà, gọi về lại sợ bố mẹ lo thêm. Nỗi nhớ vì thế lại càng nhân lên.

2.Tự túc là hạnh phúc

Điều thứ hai, du học là tự túc. Tự lập thì nghe hơi hoành tráng quá! Thế nào là tự túc? Trước hết phải bạn tự xác định mình muốn gì, mình cần gì và mình sẽ làm thế nào để đạt được điều mình muốn.

Hãy tập thói quen tự mình giúp mình trước khi đợi người khác giúp.

Nếu như bạn vẫn tìm đến sự giúp đỡ chỉ để hỏi

“Em nên học ngành gì?”, “Em cần những yêu cầu gì để được học ở trường Đại Học bên Nga?” hay “Học tiếng Nga có khó không”… thì hãy suy nghĩ kỹ lại việc mình có nên đi du học Nga hay không. Bởi vì thứ nhất, đó là những thông tin cực kỳ đơn giản, không hề khó tìm.

Nếu bạn chịu khó ngồi một buổi tối đọc hết các trang web giới thiệu trên mạng của Việt nam hay các trang chính thống của các Trường Nga, có khi bạn đã đủ khả năng đi tư vấn du học ở mức cơ bản cho các bạn khác rồi.

Thứ hai, việc học của bạn, sở thích của bạn mà bạn còn không biết, thì ai có thể trả lời được?

Giả sử nếu có sang được đến nơi, học theo ngành mà bạn được mọi người tư vấn, nhưng bạn không hề thích, liệu bạn có đủ đam mê để theo đuổi nó đến cùng không?

Như đã nói, đấy mới chỉ là mức độ tự túc đơn giản nhất. Bước đầu sang, bạn nào may mắn có gia đình còn đỡ được phần nào. Ngược lại những bạn chỉ có một thân một mình như mình, đã từng muốn quay ngay ra sân bay lao về Việt Nam ngay khi đặt chân đến cái phòng ký túc xá.

Các bạn cứ tưởng tượng đơn giản thế này: Sau gần 10 tiếng bay, vẫn còn háo hức với cuộc sống mới, nhà cửa đẹp đẽ, thành phố hiện đại, thì bước chân vào phòng, đồ đạc gọi là có nhưng chăn ga gối đệm có cũng như không, giường ngủ xập xệ, phòng lạnh lẽo trống hoác, mệt mỏi, đồ ăn chưa kịp mua (vì mới sang, lơ ngơ, biết gì mà mua?), và quan trọng nhất, cái khóa cửa phòng bị hỏng. Lúc đấy suy nghĩ duy nhất trong đầu mình là lôi áo khoác ra, đắp đi ngủ tạm, nhịn ăn một bữa rồi sáng mai đi mua đồ sau và kèm theo sợ hãi, không biết đêm nay phòng không có khóa thì có xảy ra việc gì không, có ai vào không…

Nếu may mắn các bạn đọc được bài này trước khi bay, thì Tôi khuyên các bạn mang ngay mấy gói mỳ tôm đi phòng khi cần nhé, hoặc bạn nào được Du học Nga bố trí trước khi bay rồi thì sẽ được các Anh/Chị người Việt khóa trên hỗ trợ và bố trí ăn uống khi mới sang nhé.

Sau đấy là đến khoản giấy tờ, bảo hiểm, ngân hàng, làm Visa, nhập học. Tất cả đều phải tự túc. Kể cả với vốn tiếng ít ỏi, cũng phải cố căng tai ra mà nghe, cố khua chân múa tay mà giải thích cho người ta hiểu mình muốn gì.

Bản thân mình trước khi sang cũng tự hào với vốn tiếng Anh và 1 ít tiếng Nga học được của mình, cộng thêm đã được bố mẹ rèn giũa việc tự quản lý chi tiêu từ bé, nhưng sang đến nơi mới biết, cái vốn ít ỏi đấy vẫn chẳng thấm vào đâu.

Cũng may mắn là được cộng đồng sinh viên Việt Nam tại trường hỗ trợ rất nhiều, thế nên bạn nào đi học ở các xa xôi hẻo lánh ít người Việt thì xác định là rất vất vả.

3. Khó khăn để hòa nhập với Trường lớp, bạn bè và cuộc sống ở Nga

132 2 Du Hoc Nga Co Phai La Thien Duong

Tiếp theo là trường lớp. Trước tiên mình muốn đề cập đến vấn đề bạn bè. T

rung bình sinh viên Việt Nam cần từ nửa năm đến một năm hòa nhập với bạn Nga. Bản thân mình ban đầu cũng lủi thủi đi về một mình, ăn một mình, ngồi học một mình. Nhìn bạn bè vui vẻ, đi có nhóm, có cặp, thấy tủi thân kinh khủng.

Sau đấy mình quyết tâm cao độ phải thay đổi, cứ lăn xả vào bọn Nga để mà làm quen, nên cũng chỉ mất 2 tuần đến 1 tháng là đã được bạn bè quý mến và hòa nhập rất nhanh. Nhưng đừng tưởng thế mà đã vội mừng. Đấy chỉ là vẻ bề ngoài thôi.

Đến khi thân nhau mới thấm dần cảm giác bất lực. Nó nói mình không hiểu, mình muốn đùa vui với nó cũng chẳng biết làm thế nào.

Nói vấn đề đơn giản còn tạm được, chứ nhắc đến cái gì hơi phức tạp là đã loạn lên rồi. Ở nhà dù tiếng với ngữ pháp có chắc đến đâu, xem phim, xem thời sự có hiểu thế nào, sang đến đây gặp cuộc sống thật, ngôn ngữ thường ngày mới thực sự là choáng.

Ngôn ngữ trên sách vở mới chỉ là khung xương cơ bản thôi. Để đủ dùng, sinh sống và học tập, bạn còn phải mất nhiều thời gian mà đắp thêm thịt vào khung xương đấy nữa.

Đấy là chưa kể ban đầu, nhiều bạn còn ngại nói, cứ im như thóc, dần dần các nhóm thân nhau bắt đầu cố định, cơ hội để tìm được bạn bè gần như là không có.

Học Dự bị còn đỡ, vì khóa dự bị không quá nhiều sinh viên, đa phần là biết và quen nhau. Còn nếu học lên năm 1 rồi thì phải xác định là chỉ có lớp Seminar 20-25 đứa còn quen nhau chứ lớp Leksi một lớp vài trăm sinh viên (cả khoa học chung), đến bọn Nga tìm bạn chơi còn khó chứ đừng nói đến sinh viên Việt mình.

Nếu không có bạn bè, thì cũng rất vất vả mới ra được khỏi trường. Thứ nhất, cô đơn. Thứ hai, không có ai hỗ trợ trong việc học, mà học ở Nga năm 1-2 Đại học tiếng còn kém, không có mấy đứa Nga nó hỗ trợ thêm hay cho mượn Vở về chép thì xác định luôn.

4. Các kỳ thi

Đi du học Nga: có nghĩa là phải học và đối diện với thi các kỳ thi theo quy định của xứ Bạch Dương như: Thi học kỳ (2 học kỳ 1 năm), Thi tốt nghiệp dự bị, thi tốt nghiệp v.v…mà thi thì sẽ có đỗ, có trượt, có thi lại.

Người giỏi không phải là người thi cái gì cũng qua, không phải thi lại bao giờ mà người giỏi và được coi là thành công là người thất bại mà không nản, vấp ngã mà biết đứng dậy và chưa bao giờ biết bỏ cuộc.

–Rủi ro nếu không thi qua được năm Dự Bị: bạn có 2 lần (năm) học lại để vượt qua thử thách này. Hậu quả nếu không đạt được là có thể bạn phải trở về VN hoặc chuyển qua học trường khác nếu may mắn xin được.

–Rủi ro khi đã là sinh viên Đại học: Trượt 1 môn đồng nghĩa là đúp lại 1 năm, đối với các bạn du học Nga diện tự túc thì vấn đề nhẹ nhàng hơn vì chỉ là học lại và phát sinh chi phí, còn với các bạn học bổng thì có nghĩa là về nước và đền bù kinh phí như vậy là tốn kém, mất thời gian, rắc rối, mệt mỏi, stress v.v.. vớ diện học bổng của Nga được phép học lại 1 năm tự túc nếu đạt kết quả trên 4.3 sẽ được cấp lại học bổng.

5. Việc làm thêm.

Một khó khăn nhãn tiền có thể chỉ ra ngay: mình là người nước ngoài, khi đi xin việc sẽ không được ưu tiên như sinh viên bản xứ. Lý do: ngôn ngữ chưa thành thạo, không chịu đựng nổi áp lực công việc, sức khỏe yếu hơn bọn Nga, và rất nhiều lý do khác. Thế nên, sinh viên Việt Nam ở Nga chủ yếu làm thêm ở các công ty của người Việt thôi.

Tiếp theo, tiền kiếm được khi đi làm thêm chỉ hỗ trợ tiền tiêu vặt nếu công việc của bạn chỉ là những công việc tranh thủ chớp nhoáng thời gian. Như vậy sẽ không đủ chi trả tất cả chi phí của cuộc sống nếu xác định tự trang trải.

Nếu bạn có được công việc làm 20 tiếng mỗi tuần trong học kỳ và đến 40 tiếng trong kỳ nghỉ chẳng hạn thì mức lương từ 700 usd/tháng bạn có thể trang trải cuộc sống tốt nhưng rủi ro là có thể bị ảnh hưởng đến việc học, vì những kỳ thi quan trọng mà bạn không thể đi làm được hoặc rủi ro nữa là bạn chưa chắc sẽ có thể liên tục xin được công việc như vậy trong suốt thời gian học. Với trường hợp học Đại học, nếu 1 môn thi 3 lần không đỗ, bạn sẽ không được học lên năm tiếp theo và mất học bổng là chắc rồi, ngoài ra, nếu đúp 1 năm tới 3 lần thì trường cũng không tiếp nhận cho học tiếp nữa đâu nhé.

Do đó, xác định đi làm thêm thì phải sắp xếp thời gian đi làm và học sao cho hợp lý. Nhiều khi thừa thời gian để học, nhưng vì cả ngày làm việc mệt mỏi, lại không tập trung học được. Việc học vì thế mà bị ỳ trệ.

Điều cuối cùng: “Du học trở về là ăn đứt “bọn ở nhà”“Mình sẽ có một tương lai tươi sáng”

Suy nghĩ này vừa đúng vừa sai. Càng ngày sinh viên du học càng nhiều, mà đi học nước ngoài về vẫn thất nghiệp (hoặc tìm được việc làm không ưng ý) cũng không phải là ít. Bản thân chữ “Du học” không thực sự làm bạn có giá trị hơn trong hồ sơ xin việc, nếu có chăng, thì đó là thành quả của quá trình trải nghiệm tại nước ngoài, tại Nga của bạn – bạn đã học được gì và thu lại được gì trong khoảng thời gian du học ấy.

Trên đây chỉ là một vài lưu ý nhỏ được rút ra từ kinh nghiệm bản thân mình. Qua đó, mình hy vọng mang đến cho các bạn có một cái nhìn hoàn thiện hơn về việc học tập tại nước ngoài nói chung và tại Nga nói riêng.

Đừng để tới lúc chạm tay tới ước mơ, cũng là lúc bạn hối hận: “Nếu biết du học khổ thế này, thà mình ở nhà học cho xong!”

N.V. Hiến

hotrosv

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga