Ngày nay thức ăn, vật chất đủ đầy, chúng ta nên chuyển sang chơi Tết để chăm sóc đời sống tinh thần hơn là sa vào rượu chè, nhậu nhẹt.

132 1 Nguoi Viet Nen Choi Tet Thay Vi An Tet

132 2 Nguoi Viet Nen Choi Tet Thay Vi An Tet

Có thể thấy nhiều người chúng ta xưa nay rất ám ảnh với cái ăn. Vậy nên mới có những câu ca dao tục ngữ, chẳng hạn: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”.

132 3 Nguoi Viet Nen Choi Tet Thay Vi An Tet

Và sau đó, động từ ăn được ghép với những từ khác để nói lên hiện tượng, sự vật hàng ngày: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, ăn phải đi liền với nói thành “ăn nói”, lúc chơi cờ bạn thì “ăn thua”.

Hay như đến với dịp lễ lạt lớn nhất trong năm, từ ăn nằm trang trọng ở vị trí đầu tiên: Ăn Tết. Đúng như vậy, thời xưa quanh năm cái gì ngon, cái gì đẹp cũng để dành cho Tết. Chỉ có Tết mới ám ăn dám xài.

Nói xưa chi cho xa, cách đây chỉ vài chục năm, vào thời bao cấp, hai chất quan trọng mà ai cũng thèm thuồng và chờ đợi đến tết mới được ăn đó là chất béo và chất ngọt (đường).

132 4 Nguoi Viet Nen Choi Tet Thay Vi An Tet

Thời đó mẹ tôi nuôi heo, cả năm trời mà con heo nặng chưa tới một tạ. Khoảng hai mấy Tết, cả nhà tôi, ba tôi và anh trai tôi từ sớm hì hụi vào chuồng bắt và trói heo để làm thịt ăn Tết. Nếu hàng xóm có hùn phần thì lúc chia chác, cái quý nhất là mỡ heo chứ chẳng phải thịt.

Vì bữa cơm thường ngày cần có mỡ để chiên xào, không có thịt cũng chẳng sao. Chỉ mấy ngày Tết mới thấy mặt thịt heo luộc, thịt kho Tàu trên mâm cơm. Cũng chỉ ngày Tết mới có chút bánh trái hay các loại mứt. Trẻ con thường thèm đồ ngọt, chỉ mong chờ Tết mới được ăn.

Đó là ăn. Về mặc, có xấp vải cũng để dành Tết may quần áo. Đồ may xong cũng cất kỹ trong tủ, sáng mùng một Tết mới được mặc.

Dĩ nhiên những chuyện trên chỉ là một chuyện nhỏ trong muôn vàn những câu chuyện thiếu thốn của lúc xưa. Thời nay thì không như vậy. Đồ ăn, thức uống có sẵn và luôn đầy ắp ở siêu thị, ở chợ. Mỗi cuối tuần, gia đình, vợ chồng con cái đều dắt nhau đi nghỉ mát, đi khu vui chơi, đi ăn uống.

Với điều kiện kinh tế hiện nay, so với mặt bằng chung thời trước, có thể tạm so sánh là đã khấm khá hơn. Vì thế, cái việc đề nghị nghỉ tết đúng nghĩa của tôi là hợp lý. Chúng ta đâu còn thiếu ăn nữa mà cứ “ăn” Tết. Hãy chuyển qua chơi Tết. Tết thì cứ đi chơi, xả stress để làm mới lại tinh thần. Chơi Tết cũng là lúc dành thời gian cho những thú vui giải trí mà ngày thường không có điều kiện làm được.

Nếu không thích đi chơi, hãy dành khoảng thời gian này để nghỉ ngơi, tái tạo sức lực, hướng tới đời sống tinh thần đã bị bỏ bê quanh năm. Hãy giản lược các thủ tục rườm rà và đừng để nó làm gánh nặng cho mọi người.

Lê Trung Bảo

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga