Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chứa rất nhiều đột biến đã được phát hiện ở Nam Phi. Nhiều câu hỏi được đặt ra về khả năng lây truyền và “né” vaccine của “siêu biến thể này”.  

1 Nhung Dieu Can Biet Ve Sieu Bien The Moi Nguy Hiem Hon Chung Delta

Ảnh minh họa: Alamy.

Biến thể mới là gì?

Các nhà khoa học đã phát hiện một biến thể virus SARS-CoV-2 mới có tên gọi B.1.1.529 và đang nghiên cứu tìm hiểu những tác động tiềm ẩn của biến thể này. Cho đến nay, khoảng 50 trường hợp đã được xác nhận nhiễm biến thể B.1.1.529 ở Nam Phi, Hong Kong (Trung Quốc) và Botswana.

Các nhà khoa học cho biết biến thể mới có một chùm đột biến rất bất thường, đáng lo ngại, có thể “qua mặt” được hệ miễn dịch của cơ thể và khiến nó dễ lây lan hơn. Bất kỳ biến thể mới nào có khả năng né vaccine và phát tán nhanh hơn chủng Delta, vốn đang khiến thế giới điên đảo, đều có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đến cuộc chiến chống đại dịch của thế giới.

Nguồn gốc của B.1.1.529 

Kết quả ban đầu từ các phòng thí nghiệm cho thấy biến thể này đang bùng phát mạnh ở Gauteng - tỉnh đông dân nhất của Nam Phi với khoảng 15 triệu người - và có thể đã xuất hiện ở 8 tỉnh khác của nước này.

Hôm 25/11, Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm Nam Phi cho biết họ đã phát hiện 22 trường hợp nhiễm biến thể này, nhiều trường hợp nghi ngờ đang được giải trình tự gien. Các nhà khoa học ước tính rằng biến thể này có thể chiếm tới 90% các trường hợp COVID-19 ở tỉnh Gauteng.

Trong bản cập nhật hàng ngày về COVID-19, Viện Quốc gia Nam Phi về Các bệnh truyền nhiễm (NICD) đã báo cáo 2.465 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 . NICD cho rằng, số ca mắc COVID-19 tăng vào thời điểm này không phải do sự xuất hiện của B.1.1.529, dù một số nhà khoa học hàng đầu trong nước nghi ngờ biến thể mới chính là nguyên nhân gây ra sự gia tăng này.

Nam Phi đã xác nhận khoảng 100 mẫu xét nghiệm có biến thể B.1.1.529. Hôm 25/11, NICD cho biết họ phát hiện 22 trường hợp nhiễm biến thể mới, nhiều trường hợp nghi ngờ đang được giải trình tự gien. Các nhà khoa học ước tính rằng biến thể này có thể chiếm tới 90% các trường hợp COVID-19 ở tỉnh Gauteng.

Biến thể này cũng được phát hiện ở Botswana và Hong Kong (Trung Quốc), trong đó trường hợp ở Hong Kong là một du khách đến từ Nam Phi. 

2 Nhung Dieu Can Biet Ve Sieu Bien The Moi Nguy Hiem Hon Chung Delta

Các nghiên cứu đang được tiến hành ở Nam Phi để hiểu rõ hơn về cấu tạo gien của biến thể mới. Ảnh: Reuters.

Tại sao B.1.1.529 là biến thể đáng đáng lo ngại?

Một mối quan tâm lớn là biến thể B.1.1.529 có thể làm giảm hiệu quả của vaccine vì số lượng lớn đột biến của nó.

Hầu hết các loại vaccine đều tập trung vào việc “dạy” cơ thể tạo ra các kháng thể vô hiệu hóa protein đột biến của virus, loại protein này bám vào các tế bào của con người. Nhưng nhiều đột biến của B.1.1.529 nằm trong các vùng protein đột biến mà các thể nhận ra, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.

Phó Giáo sư Penny Moore, nhà virus học tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi, cho biết biến thể mới có thể tránh được một phần của phản ứng miễn dịch do tế bào T tạo ra.

Một vấn đề khác là biến thể này dường như lây lan rất nhanh. Nhà virus học Nam Phi Tulio de Oliveira lưu ý rằng B.1.1.529 hiện “thống trị tất cả ca nhiễm” ở nước này sau chưa đầy hai tuần. Chủng Delta từng là biến thể thống trị cho đến khi xuất hiện biến thể mới.

Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể mới có làm tình trạng bệnh của người nhiễm tiến triển nặng hơn hay không. Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành thêm nghiên cứu. 

Trong khi đó, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm chuyên môn về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) cho biết: “Chúng tôi chưa biết nhiều về điều này. Những gì chúng tôi biết là biến thể B.1.1.529 có một số lượng lớn các đột biến. Và mối quan tâm là khi có quá nhiều đột biến, nó có thể có tác động đến cách thức hoạt động của virus”.

Điểm khác biệt giữa B.1.1.529 với biến thể Delta

Hôm 25/11, các nhà khoa học cấp cao đã mô tả B.1.1.529 là biến thể nguy hiểm nhất mà họ từng thấy kể từ khi đại dịch bùng phát. Nó có tới 32 đột biến trong protein gai, bộ phận giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào con người. Con số này gấp đôi số lượng đột biến có trong biến thể Delta. 

Chỉ tính riêng tại miền liên kết thụ thể, phần ở protein gai giúp virus bám vào tế bào con người đầu tiên của biến thể mới đã có tới 10 đột biến, trong khi con số này ở Delta chỉ là 2.

Các đột biến trong protein đột biến có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm và lây lan của virus nhưng cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.

Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020. Sau đó đã lan rộng khắp thế giới, gây ra sự gia tăng về số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19. Ngoài ra, còn có các biến thể khác như Alpha, Beta và Gamma. Nhiều chuyên gia cho rằng, biến thể Delta có độc lực cao có thể đã liên tục biến đổi để “tự bảo vệ mình” và cuối cùng dẫn đến “tự diệt”.

WHO đã phân loại B.1.1529 là biến thể đang được theo dõi. Điều đó nghĩa là gì?

WHO phân loại các biến thể SARS-CoV-2 thành 3 loại, gồm biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại và biến thể đang được theo dõi.

Biến thể đáng lo ngại là biến thể cho thấy bằng chứng về khả năng lây truyền và độc lực cao hơn, dẫn đến bệnh nặng hơn phải nhập viện và gây tử vong. Đến nay, đã có 4 biến thể virus SARS-CoV-2 thuộc loại này, bao gồm cả biến thể Delta.

Biến thể cần quan tâm là những biến thể có những thay đổi di truyền được dự đoán hoặc được biết đến có ảnh hưởng đến các đặc tính của virus, có dấu hiệu trở thành một nguy cơ mới đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. 

Cuối cùng, biến thể đang được theo dõi là biến thể cho thấy những thay đổi di truyền được nghi ngờ là ảnh hưởng đến các đặc tính của virus. Mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy nó có thể gây ra rủi ro trong tương lai, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng và chủng vi khuẩn này cần được theo dõi tăng cường. 

Các biến thể có thể được phân loại lại khi đặc điểm và tác động của chúng được biết đến nhiều hơn.

Phản ứng của thế giới trước biến thể mới

3 Nhung Dieu Can Biet Ve Sieu Bien The Moi Nguy Hiem Hon Chung Delta

Có khoảng 500-700 người từ Nam Phi đến Anh mỗi ngày trên các chuyến bay của hãng hàng không gồm British Airways và Virgin Airlines. Ảnh: Alamy.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào hôm 26/11 để thảo luận về biến thể mới. Đồng thời, nhóm cố vấn chuyên môn của WHO cũng đang nghiên cứu về sự tiến hóa của loại virus này.

Các nghiên cứu về B.1.1.529 cũng đang được tiến hành ở Nam Phi để tìm hiểu rõ hơn về cấu tạo gien của biến thể và tác động của nó đối với vaccine. Tiến sĩ Van Kerkhove cho biết: “Chúng ta cần hiểu rằng virus này càng lan rộng thì nó càng có nhiều cơ hội biến đổi và sẽ càng xuất hiện nhiều đột biến”. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm giảm sự lây nhiễm.

Trước nguy cơ B.1.1.529 mới lan rộng, Anh đã ngừng các chuyến bay từ 6 quốc gia châu Phi để đề phòng biến thể mới, trong đó có Nam Phi. 

Israel cũng thông báo đưa một loạt quốc gia ở miền Nam châu Phi vào diện “cảnh báo đỏ” liên quan đến COVID-19, bao gồm Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini. Theo đó, những người nước ngoài đến từ 7 quốc gia này sẽ không được phép nhập cảnh vào Israel.

Các nhà khoa học có thể sẽ mất vài tuần để nghiên cứu thêm thông tin về B.1.1.529 và mối đe dọa nghiêm trọng mà biến thể này có thể gây ra. Giữa lúc này, các chuyên gia y tế kêu gọi mọi người hãy đi tiêm chủng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, như đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, để bảo vệ bản thân trước biến thể mới.

Hải Vân (Theo Guardian, Straitstimes)

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga