Lương hưu thấp, không được con cháu hỗ trợ, một thế hệ người già ở Hàn Quốc vẫn phải ra đường làm việc với mức thu nhập ít ỏi.

Nhiệt độ xuống âm 7 độ C vào những ngày giữa tháng 2, bà Lee Deok-ja, 74 tuổi, vẫn lang thang quanh khu Deungchon-dong, phía tây Seoul để nhặt bìa carton cùng chiếc xe đẩy.

Khoảng 0h30, chiếc xe đẩy tay nặng khoảng 40 kg của bà đã trống trơn. Lee cho biết bà đã đến cửa hàng đồng nát ba lần vào ngày hôm đó để bán những gì thu hoạch được.

“Mỗi lần đến đó, tôi kiếm được 1.000 won đến 2.000 won hoặc 3.000 won. Đây là công việc giúp tôi kiếm được 10.000 won đến 15.000 won (200.000 đến 300.000 đồng) mỗi ngày”, bà cho biết.

Lee cho biết, bà bắt đầu công việc hàng ngày lúc 5h30 và nhặt nhạnh khắp nơi đến khoảng 18h.

1 Khong Mua Hongnhu Tren Phim Nguoi Gia O Han Quoc Van Chat Vat Muu Sinh

Bà Lee Deok-ja và chiếc xe chuyên đi nhặt bìa carton của mình. Ảnh: Yonhap.

25 năm trước, Lee và chồng điều hành một nhà máy sản xuất mì song công việc kinh doanh thất bại khiến hai người nợ nần chồng chất. Chồng bà qua đời cách đây 10 năm.

“Tôi có 4 đứa con, nhưng tôi không muốn nhận tiền trợ cấp từ chúng. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho con cái. Ngày nào còn khoẻ mạnh, ngày đó tôi còn làm việc”, bà nói.

Giống như Lee, nhiều người Hàn Quốc từng thất bại trong kinh doanh bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 90 và không thể phục hồi, đã buộc phải mưu sinh vất vả vào tuổi già.

Hoàn cảnh của họ đều khác nhau nhưng hầu hết đều chọn cách ra đường mưu sinh vì rất khó sống chỉ với lương hưu cơ bản, thường là 200.000-300.000 won (4 đến 6 triệu đồng) mỗi tháng. Ngoài bìa cứng, họ nhặt và bán mọi thứ có thể tái chế như đồ nhựa, hộp, báo, sách, thiết bị điện và thậm chí cả đồ nội thất bằng gỗ.

Kim Bum-jung, giáo sư chuyên về phúc lợi xã hội của Đại học Chung-Ang, nói: “Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 10 trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ người già nghèo ở đây lại cao nhất trong số các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế)”.

Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, tỷ lệ người già nghèo ở Hàn Quốc là 43,4% vào năm 2018, cao gấp 3 lần so với mức trung bình 14,8% của OECD.

Điều đáng kinh ngạc, Hàn Quốc đang nhanh chóng trở thành quốc gia già với 8,12 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 15,7% tổng dân số vào năm 2020. Theo thống kê, khoảng một nửa số người cao tuổi vẫn chưa chuẩn bị cho cuộc sống về già.

“Những người cao tuổi có thu nhập thường xuyên từ tài sản tài chính hoặc bất động sản chỉ là dưới 10%. Những người cao tuổi có lương hưu là dưới 40%”, ông Kim cho biết.

Điều này có nghĩa là những người còn lại phải dựa vào khoản trợ cấp 300.000 won mỗi tháng hoặc sự chu cấp của con cái. Tình trạng này khiến những người già, ngay cả những người không có kỹ năng hay kinh nghiệm làm việc, phải quay trở lại kiếm sống.

“Nhưng, ở một quốc gia còn không có đủ việc làm cho cả người trẻ, thì người già có thể làm gì? Họ phải làm những công việc vặt, hoặc không còn cách nào khác ngoài nhặt carton, dù biết đó là công việc bèo bọt nhất”, ông Kim nhận định. Chuyên gia này cho biết thêm rất khó để tìm ra giải pháp khắc phục vì người cao tuổi đã là tầng lớp nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất từ chính phủ.

Tăng mức lương hưu và lương cơ bản của các công việc cho người cao tuổi là điều tốt nhất mà chính phủ có thể làm lúc này.

Tại nhiều đơn vị công, có một số việc làm không thường xuyên cho người cao tuổi với mức lương khoảng 300.000 won một tháng. Dù không nhiều và không đều đặn, vẫn có hơn 800.000 người nộp đơn và khoảng 600.000 người được làm việc vào năm 2020.

Theo Korea Herald

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga