Facebook rao bán phần lớn tài sản bảo trợ cho dự án Diem. Các cơ quan pháp lý nói không với đồng tiền ổn định giá của Meta.

Hiệp hội Diem, với tên cũ là Libra, dự án tiền số được Facebook (hiện đổi tên thành Meta) xây dựng dần đi vào hồi kết. Theo Bloomberg, tổ chức này đang bán tháo phần lớn tài sản của họ để trả lại tiền vốn cho các nhà đầu tư.

Diem đang hợp tác với các ngân hàng đầu tư nhằm hỗ trợ họ định giá tài sản và tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Hiệp hội này cũng giúp các kỹ sư của dự án sớm tìm bến đỗ mới.

Diem là dự án tiền số ổn định giá (stablecoin) đầy tham vọng của Facebook nhằm hỗ trợ cho thanh toán điện tử và chuyển tiền trong nội bộ mạng lưới do Meta sáng lập. Dù có nhiều công ty lớn trong lĩnh vực thanh toán như Visa hay Mastercard tham gia, dự án gặp nhiều cản trở từ các cơ quan chính phủ.

1 Dau Cham Het Cho Dong Tien On Dinh Cua Facebook

Các đối tác của Diem được đăng trên trang chủ của họ. Ảnh: Diem.

CEO Facebook, Mark Zuckerberg phải tham gia đợt điều trần trước Quốc hội Mỹ do các quan ngại về dự án stablecoin Diem vào cuối tháng 10/2019. Nhiều đối tác đã quay lưng với mạng lưới sau giai đoạn này. Nhà sáng lập dự án, David Marcus đã rời Meta vào tháng 11/2021.

Stablecoin hay tiền ổn định giá là đồng tiền mã hóa được ra đời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng do sự biến động giá của thị trường tiền số bằng việc neo chúng với USD. Stablecoin thường được dùng để làm trung gian trao đổi với các đồng tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum.

Facebook đã ủy quyền cho ngân hàng Silvergate Capital đứng ra phát hành đồng stablecoin Diem, đồng thời chuyển trụ sở hoạt động của dự án từ Thụy Sỹ về Mỹ. Diem là dạng stablecoin được neo theo USD, có nét tương đồng với nhiều đồng tiền ổn định đang có trên thị trường như USDT.

Theo Bloomberg, sau thời gian dài trao đổi qua lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không đảm bảo ngân hàng Silvergate có quyền được phát hành Diem. Dự án đi vào ngõ cụt khi không nhận được sự ủng hộ từ FED.

Tương lai các kỹ sư làm việc tại Diem trở nên mịt mờ, tài sản và bằng sáng chế của dự án cũng mất một phần giá trị bởi quyết định của FED. Nhiều khả năng dự án sẽ không tìm được người muốn mua lại.

Meta sở hữu 1/3 cổ phần của Diem và các đối tác nắm giữ phần còn lại. Nhiều quỹ đầu tư và công ty công nghệ đồng ý trả một khoản phí để được tham gia đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có danh sách đầy đủ những cái tên tham gia.

Diem có công bố các đối tác nổi bật trên trang web chính thức của mình. Những cái tên gồm có quỹ đầu tư Andreessen Horowitz (a16z), Union Square Ventures và tập đoàn kinh tế của chính phủ Singapore Temasek Holding. Các công ty tiền mã hóa như Coinbase cũng tham gia. Nền tảng đặt xe Uber hay công ty thương mại điện tử Shopify cũng góp mặt.

Tháng 11/2021, chính quyền Mỹ ra quyết định chính thức về stablecoin. Bộ Tài chính Mỹ cho biết nhà phát hành tiền ổn định dùng trong hoạt động thanh toán phải là các ngân hàng đang chịu sự giám sát của chính phủ.

Điều này nhằm hạn chế các công ty công nghệ tự phát hành tiền số của riêng mình nhằm phục vụ cho hoạt động thanh toán. Nếu để điều này diễn ra sẽ dẫn đến “quyền lực kinh tế được tập trung quá mức vào một nhóm nhỏ các công ty”, Bộ Tài chính Mỹ nhận định trong báo cáo.

Quốc Tú

Nguồn: zingnews.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga