Các chuyên gia an ninh vừa đưa ra cảnh báo người dùng nên tránh trả lời nếu nhận được một cú điện thoại từ người lạ hỏi với nội dung ‘Bạn có nghe tôi nói không?’.

132 1 Can Than Khi Nguoi La Dien Thoai Hoi Co Nghe Toi Noi Khong

Theo Telegraph, kẻ gian đang thực hiện hình thức lừa đảo mới với câu hỏi nhằm mục đích nhận câu trả lời “Có” đến từ nạn nhân. Trong quá trình tiếp nhận câu trả lời, kẻ gian sẽ thu âm lại lời nói của nạn nhân để ủy quyền cho các tác vụ thực hiện thanh toán hóa đơn bằng tên của nạn nhân ở những dịch vụ sử dụng xác nhận bằng lời nói.

Giám đốc Liên đoàn bảo vệ người tiêu dùng Mỹ – Susan Grant nói với CBS News rằng khi mọi người trả lời “Có”, giọng nói sẽ được kẻ gian thu âm lại và điều đó có nghĩa bạn đã đồng ý với một điều gì đó.

Bà Susan kêu gọi mọi người chỉ đơn giản là đặt điện thoại xuống khi gặp một câu hỏi tương tự như vậy đến từ số điện thoại lạ. Theo bà Susan, điều này được xem là một cách làm tốt để chống lại hình thức tấn công mới.

Vấn đề là hình thức lừa đảo này đang bắt đầu có dấu hiệu lan rộng, không chỉ ở Mỹ, Anh mà hiện tại nó đã xuất hiện tại Úc. Mặc dù điều này đã được cảnh báo nhiều nhưng hầu hết mọi người vẫn sập bẫy, nhất là khi kẻ gian thực hiện đi thực hiện lại nhiều câu hỏi. Vì vậy tốt nhất hãy dập máy xuống nếu thấy nghi ngờ, nhất là với những số điện thoại lạ.

Nhiều người dính bẫy lừa trúng thưởng iPhone

132 2 Can Than Khi Nguoi La Dien Thoai Hoi Co Nghe Toi Noi Khong

Thông qua chiêu trò trúng thưởng iPhone, nạn nhân tự “dâng” thông tin cá nhân cho kẻ lừa đảo mà không hề hay biết.

iPhone là sản phẩm mới nhất bị những kẻ lừa đảo lợi dụng. Theo số liệu của nhà nghiên cứu Phill Tully, có tới 282 chủ đề liên quan đến trúng thưởng iPhone xuất hiện trên YouTube, Instagram và Facebook. Trong khi đó, hãng bảo mật ZeroFOX đã phát hiện tới 532 tin giả liên quan đến trúng smartphone mới nhất của Apple trên các website và mạng xã hội.

Theo mô tả, những trang lừa đảo đều có nội dung trúng thưởng iPhone đơn giản, yêu cầu người dùng nhập tên, ngày sinh, số điện thoại, mật khẩu và các thông tin cá nhân “nhạy cảm” khác. Riêng với mạng xã hội như Facebook, Twitter… người dùng còn yêu cầu phải chia sẻ lên trang cá nhân khiến tốc độ lan truyền nhiều hơn. Một số thậm chí dẫn liên kết đến website độc hại, yêu cầu tải về tập tin.

“Nhiều người với tâm lý ‘không mất gì’ nên sẵn sàng làm theo. Cuối cùng, người dùng vô tình “dâng” thông tin cá nhân hoặc tải phần mềm độc hại về máy mà không hề hay biết”, Tully nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, sau khi có được thông tin cá nhân, kẻ gian sẽ đem bán cho những đối tượng cần chúng, chủ yếu phục vụ quảng cáo. Đối với việc lừa đảo cài mã độc, vấn đề thậm chí nghiêm trọng hơn như chiếm quyền điều khiển máy tính, ăn cắp thông tin tài chính…

 

ZeroFOX cảnh báo, người dùng nên để ý kỹ thông tin website trước khi nhấp chuột, nên truy cập website đáng tin cậy (có chứng chỉ SSL, TLS hoặc có đầu https)… Trên mạng xã hội, nên tin tưởng các fanpage, tài khoản đã được xác thực (có dấu tích màu xanh).

“Sức hút từ iPhone tất nhiên rất khó cưỡng nhưng nếu không cẩn thận, bạn mất nhiều hơn là được”, Tully nói thêm.

Bảo Lâm (theo Cnet)

Nguồn: Tổng hợp

 

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga