"Có cả chửi mắng, cả động viên, nhưng trên hết họ là những người thầy vô cùng tận tụy, thương yêu học viên", Trung tướng Phạm Tuân hồi tưởng về những người thầy đầu tiên khi ông sang Liên Xô học bay.

132 1 Trung Tuong Pham Tuan Mai Nho On Nhung Nguoi Thay Tai Nga

Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ kỉ niệm những ngày học bên Nga tại Tọa đàm "70 năm hợp tác đào tạo Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga: Dấu ấn vượt thời gian", do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 30-12 - Ảnh: NGỌC DIỆP

Tại tọa đàm "70 năm hợp tác đào tạo Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga: Dấu ấn vượt thời gian", do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 30-12, không chỉ Trung tướng Phạm Tuân (người Việt Nam đầu tiên, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ) mà Thượng tướng Võ Văn Tuấn (nguyên phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) chia sẻ thời mới sang Liên Xô học bay ông cũng bị các thầy Nga dạy bay mắng ra trò.

"Sau này khi tôi lái máy bay thành công rồi, thầy tôi mới nói ‘tao ngồi đằng trước toàn chửi thề suốt nhưng tao không bật tiếng để mày khỏi nghe thấy’. Khi dạy các thầy nghiêm khắc lắm, có thầy chửi mắng rất thô, nhưng phải thế mới thành nghề được", Thượng tướng Võ Văn Tuấn cười chia sẻ.

Trung tướng Phạm Tuân cho biết ngành phi công rất đặc thù, không giống các ngành khác, 100 người học thì chỉ có khoảng 30-40% tốt nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là do không lĩnh hội được kĩ thuật bay. Từ năm 1961 đến năm 1972 Việt Nam gửi sang Liên Xô 1000 cán bộ để học lái máy bay và chuyên môn kĩ thuật liên quan đến hàng không. Trong số đó có 447 người học làm phi công chiến đấu nhưng chỉ khoảng 220 người tốt nghiệp.

"Học viên của ta sang Liên Xô học vào năm 60 đa phần tốt nghiệp lớp 7, lớp 8, trình độ văn hóa cũng như thể lực đều không bằng các nước khác. Nếu các thầy Liên Xô không bỏ công sức ra đào tạo thì lúc đó Việt Nam không thể có phi công.

Sang Nga năm 15 tuổi, học xong là 17 tuổi, lúc chúng tôi về nước các bà mẹ Nga nấu ăn cho chúng tôi cứ ôm chúng tôi khóc và nói các con ở lại đây thêm đi, các con còn non dại thế này đi chiến đấu thì nguy hiểm lắm. Các thầy thì dặn 'Tuân, mày mà bay chiến đấu thì phải cố gắng quay đầu 360 độ quan sát đấy nhé, mày còn non dại lắm", Trung tướng Phạm Tuân kể.

"Học viên Ả Rập học xong đều tặng mỗi thầy một chiếc đồng hồ Senko còn học viên Việt Nam làm gì có tiền, chỉ làm ít nem rán mua rượu đến mời thầy uống thôi, thế nhưng các thầy vẫn hết lòng dạy dỗ", Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Sau này sang Nga, thấy thầy đã già, cả gia đình ở trong căn nhà 60m2 cũ kĩ, Thượng tướng Võ Văn Tuấn đề nghị được giúp đỡ thầy sửa sang nhà nhưng thầy nhất định không nhận. Sau đó Thượng tướng Võ Văn Tuấn đã chuyển tiền cho các cháu gái của thầy, nhờ họ âm thầm sửa nhà giúp.

Cùng từng được gửi sang Nga du học PGS.TS, Đại tá Nguyễn Hữu Trung, nguyên chủ nhiệm khoa chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết ông không bao giờ quên những năm tháng học bên Liên Xô và những người thầy Nga tận tụy. PGS.TS, Đại tá Nguyễn Hữu Trung coi nước Nga như quê hương thứ hai, những người phụ nữ Nga đã chăm sóc các ông thời đó như bà mẹ thứ hai.

Trong buổi tọa đàm các chuyên gia đều khẳng định hợp tác đào tạo giữa Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, là một trong những động lực quan trọng trong quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

"Mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô/Liên bang Nga và nước Nga sau này là một mối quan hệ đặc biệt nên giờ đây chúng ta phải có phương phướng để phát triển mối quan hệ này bề chặt hơn nữa", Trung tướng Phạm Tuân nói.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga