Nhiệm kỳ phóng viên thường trú nước ngoài thứ hai của tôi bắt đầu cuối năm 2019 ở Moskva, Nga.  

1 Trai Tim Va Niem Vui Cua Phong Vien Thuong Tru Tai Nuoc Ngoai

Phóng viên tác nghiệp trong mùa hoa nở ở miền nam nước Nga.

Sự kiện đầu tiên khiến con tim tôi nhói đau là vụ cháy một khu nhà kính trồng rau quả ở ngoại ô thủ đô nước Nga vào tháng 1/2020. Vụ hỏa hoạn đã khiến tới 9 người Việt Nam thiệt mạng, trong đó có một cô gái chỉ ở độ tuổi con tôi, sinh năm 2000. Nhờ theo vụ việc mà tôi đã quen chàng trai tên là T., là bạn trai cô bé sinh năm 2000. Em chính là một trong những người ở trong khu nhà kính vào thời điểm xảy ra vụ việc thương tâm đó. Tuy nhiên, T. đã may mắn thoát chết nhờ kịp chạy ra ngoài.

Sau vụ cháy thương tâm đó, T. tiếp tục theo đuổi nghề trồng rau. Em tổ chức một nhóm người Việt trồng hành và rau cung cấp cho các đầu nậu người Nga cũng như trực tiếp đưa lên Moskva để tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Chính nhờ mối quan hệ này, hè năm 2020, tôi đã kịp tới khu đồng mà nhóm của T. đang canh tác và quay phóng sự hình “Người Việt mưu sinh từ nghề nông ở Nga”. Không rõ vì độ chân thực hay vì tình cảnh “một nắng hai sương” của những người Việt mà sau khi được phát trên Truyền hình Thông tấn (Vnews), phóng sự của tôi được nhiều người truy cập nhất trên mạng. Tôi bất ngờ giành giải thưởng “Sản phẩm truyền hình số xuất sắc” tại Liên hoan truyền hình thông tấn lần thứ IV năm 2020.

Tôi rất vui khi nhận giải thưởng như vậy, nhưng điều lắng đọng nhiều hơn trong tôi là hiểu được nhiều hơn về thân phận những người Việt vất vả, long đong mưu sinh nơi đất khách quê người. Đa số người Việt trồng rau ở Nga đều là người có hoàn cảnh éo le khi còn ở Việt Nam.

Với các phóng viên thường trú nước ngoài, nhiệm kỳ của tôi, đại dịch COVID-19 hoành hành dữ dội trên thế giới trong năm 2020 có lẽ là cơn bão lớn nhất làm đảo lộn nhiều thứ, gây ảnh hưởng nặng nề. Là phóng viên, tôi có thể chứng kiến và theo dõi những khó khăn, vất vả mà cộng đồng người Việt tại LB Nga phải đối mặt, trong bối cảnh nước Nga một thời gian dài đứng thứ 4 trên thế giới về tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chính trong giai đoạn hiểm nguy đó, người Việt lại rất đoàn kết, lá lành đùm lá rách, chung tay tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua đại dich.

Phong trào may khẩu trang tặng cho người dân Nga có lẽ bắt đầu ngay chính tại thủ đô Moskva, và sau đó lan tỏa ra toàn nước Nga, đã thể hiện hình ảnh đẹp của những người Việt làm ăn, sinh sống trên xứ sở Bạch dương. Người Việt cũng lập ra những nhóm tình nguyện để phiên dịch, hỗ trợ cho người ốm gọi cấp cứu hay nhập viện kịp thời, trao đổi với bác sĩ.

Nghề phóng viên lại một lần nữa giúp tôi có thể nhanh chóng tiếp xúc với những nhóm người hết lòng vì cộng đồng đó. Thật xúc động khi nghe một chị trong nhóm hỗ trợ kể rằng ở thời điểm dịch bùng phát mạnh, có ngày chị phải hỗ trợ tới 35 bệnh nhân người Việt. Tuy nhiên, xúc động hơn là lời tâm sự rằng tự chị cảm thấy ân hận, có lỗi khi đã không thể giúp một bệnh nhân COVID-19 người Việt thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

2 Trai Tim Va Niem Vui Cua Phong Vien Thuong Tru Tai Nuoc Ngoai

Phóng viên chụp ảnh chung với đồng chí Sergey Levchenko, Bí thư thứ nhất Đảng bộ Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) tỉnh Irkutsk, cựu Thống đốc tỉnh Irkutsk giai đoạn 2015-2019 (thứ 3 từ trái sang).

Quả thực, nhờ những con người hết lòng vì cộng đồng, nhờ những “chiến sĩ” thầm lặng trong cuộc chiến giành giật sự sống cho các bệnh nhân người Việt đó mà tôi có được khá nhiều kiến thức về phòng chống COVID-19. Những kiến thức này đã giúp tôi có những ứng phó kịp thời khi chính mình mắc bệnh, nhờ đó khỏi bệnh và hồi phục trong thời gian ngắn dù mắc bệnh nền.

Cảm động và trân quí hơn đó là khi tôi nằm viện, hai “thủ lĩnh” phòng chống COVID-19 người Việt, một người ở St. Petersburg và một người ở Odessa (Ukraine), ngày nào cũng gọi điện động viên, hỏi thăm sức khỏe của tôi. Anh H. ở Odessa, nhờ có quan hệ tốt với bác sĩ Bệnh viện Truyền nhiễm Odessa, còn gửi cho tôi tên một toa thuốc “bảo bối” của Nhật Bản, để khi thực sự cần có thể yêu cầu bác sĩ mua và tiêm, vì chỉ cần 1-2 liều thuốc là bệnh thuyên giảm. Những cuộc điện thoại hỏi thăm đó khiến cho tin thần tôi thêm vững vàng. Có lúc tôi đã cảm thấy mình thực sự may mắn và hạnh phúc vì là một phóng viên.

Bất chấp đại dịch, chúng tôi chấp nhận đi xa để có sản phẩm thông tin độc đáo. Kết quả thu được cũng khá thú vị. Tôi còn nhớ chuyến đi mới đây xuống Irkutsk, Đông Siberia, chênh lệch múi giờ với Moskva là 5 tiếng để làm phóng sự về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua mối quen ở Irkutsk, chúng tôi biết Bác Hồ đã từng 2 lần thăm Irkutst vào các năm 1955, 1957. Thông tin về các địa điểm Bác đến khá rõ vì đầu mối của chúng tôi, thông qua chính quyền bản địa, đã tiếp cận được kho lưu trữ và tìm được những bài báo về các chuyến thăm của Bác. Một trong những địa điểm Bác đến thăm là làng Khomutovo ở ngoại ô Irkutsk, với diện tích lên tới 24.000 ha. Thời kỳ đó, đây là nông trang điển hình mang tên “Con đường Stalin”.

3 Trai Tim Va Niem Vui Cua Phong Vien Thuong Tru Tai Nuoc Ngoai

Hình ảnh nông dân Việt Nam thu hoạch hành trên đồng tại Nga qua ống kính phóng viên.

Thật may mắn khi tôi đang quay hình thì gặp một nhân viên “Nhà Nghệ thuật dân gian” làng Khomutovo. Sau khi trò chuyện, biết chúng tôi là phóng viên Việt Nam tới làm phóng sự về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị đã giới thiệu cho chúng tôi một nhân viên khác, người có mẹ đã tham gia tiếp đón Bác. Thế là chúng tôi phỏng vấn được bà Vera Pavlovna, năm nay 76 tuổi, người khi đó là thiếu nhi học lớp 3 hay lớp 4,đã tham gia đón đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bác dẫn đầu. Hai chị còn chỉ cho chúng tôi căn nhà gỗ số 21 cửa sổ sơn màu xanh là nơi Bác ghé khi thăm làng Khomutovo. Sau khi từ làng Khomutovo về, trong tôi dấy lên một niềm vui nhỏ nhỏ. Vui vì biết sản phẩm của mình đã giàu sức thuyết phục hơn, sát thực và thú vị hơn.

Và những niềm vui nho nhỏ như vậy, cũng như những rung động của con tim là động lực giúp chúng tôi thêm yêu nghề, thêm gắn bó với công việc đầy tự hào này.

Duy Trinh

Nguồn: baotintuc.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga