Tết Trung thu còn được gọi là Tết Thiếu nhi hay Tết Trông trăng... có ở nhiều nước Đông Á, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… trong đó có Việt Nam. Tết Trung thu theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hàng năm, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em nên được các em rất mong đợi, vì dịp này thường được người lớn tặng đồ chơi (thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he...) và được ăn bánh kẹo các loại.

Theo các nhà khảo cổ học thì hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và văn minh đồng bằng châu thổ sông Hồng với hình thức đầu tiên là mừng cho mùa màng bội thu. Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Tết Trung thu bắt nguồn từ thời Xuân - Thu. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam, là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, vào lúc nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa.

Vào dịp Tết Trung thu, người ta làm hoặc mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi trăng rằm vừa mới lên cao. Đồng thời, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác bánh trung thu, hoa quả, trà và rượu, đây cũng là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông, bà, cha, mẹ và để mọi người săn sóc lẫn nhau.

Trong dịp Trung thu có tục múa lân, con lân tượng trưng cho điềm lành. Người ta thường múa lân vào 2 đêm: 14 và 15 âm lịch. Ðám múa lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra, còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân… Ðám múa lân đi trước, người lớn, trẻ con đi theo sau gắn liền với niềm vui, tiếng cười con trẻ giòn giã khắp đường quê. 

Cũng trong ngày Tết Trung thu, người ta bày cỗ với bánh hình tròn tượng trưng cho mặt trăng. Thời gian qua đi, chiếc bánh cũng được biến tấu thêm màu mè, kiểu dáng, hương vị, như: bánh hình chú heo mẹ và bầy con, hình con cá, con cua, con thỏ... dường như bánh trung thu đã trở thành một thứ bánh chỉ có vào dịp Tết Trung thu và không thể thiếu của mọi nhà. Bánh trung thu biểu tượng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình. Ngoài ra, còn treo đèn kết hoa, nhảy múa, ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà, các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn hoặc thả đèn hoa đăng. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái, hoa quả. Khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu chính là lúc mà mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết Trung thu.

Theo người Việt, mặt trăng mang một ý nghĩa rất to lớn của đất nước có nền văn minh, văn hóa lúa nước. Ngày rằm tháng 8 là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, khi mặt trăng sáng và tròn đầy nhất trong năm, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Thời điểm này cũng là lúc việc nông nhàn nhất, mọi người khi đó có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt mà hòa mình vào đất trời. Dưới ánh trăng sáng, các ông bố, bà mẹ cũng thường kể về giai thoại chị Hằng - chú Cuội ngồi gốc cây đa cho con, cháu mình nghe.

Cứ như thế, dư vị trung thu đã đi qua bao lớp người, đã đi qua bao lứa tuổi thơ và vẫn mãi in dấu với những đêm vui chơi bên mâm cỗ, trong tiếng trống linh đình dưới ánh trăng vàng dịu êm, để lại trong lòng người những dư âm không thể nào phai. Dù cho xã hội hiện nay càng phát triển, con người càng bận rộn, thì Tết Trung thu cũng được thay đổi đi rất nhiều. Tuy nhiên, giá trị của nét văn hóa cổ truyền đẹp đẽ ấy không vì thế mà phai nhạt, nó vẫn giữ một vị trí quan trọng không thể thiếu trong lòng bất cứ người con đất Việt nào. Tết Trung thu - Đêm hội trăng rằm là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu, là dịp quý giá để con người xích lại gần nhau, trao cho nhau tình cảm, thấy rõ trách nhiệm của mình với các thế hệ, nhất là với thế hệ trẻ, những chủ nhân của quê hương, Tổ quốc tương lai. Và đặc biệt hơn giữ được vẻ hân hoan, náo nức của Tết Trung thu cũng chính là giữ được gam màu tươi sáng trong bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, "Đêm hội trăng Rằm" đã trở thành hoạt động thường niên diễn ra vào dịp Trung Thu tại Tổ hợp Đa chức năng “Hà Nội-Mátxcơva”, tạo nên không khí vui vẻ phấn khởi và đầy ấm áp cho các bạn nhỏ và gia đình đang sinh sống tại đây. Năm nay, "Đêm hội trăng Rằm" sẽ được tổ chức vào thứ Bảy, ngày 10/9/2022 (tức ngày 15 tháng Tám âm lịch), từ 17:00 tại Trung tâm thương mại “Hà Nội-Mátxcơva”.

Trong không gian của “Con đường tuổi thơ” sẽ diễn xa nhiều trò chơi dân gian như vẽ mặt, trang trí lồng đèn, nặn tò he, múa lân kèm theo đó là các trò chơi vui nhộn dưới sự hướng dẫn của các chú Hề sẽ mang lại đêm hội Trung thu rực rỡ sắc màu cho các bạn nhỏ tại Tổ hợp Đa chức năng “Hà Nội-Mátxcơva” và khắp Thủ đô LB Nga.

 1 Tet Trung Thu   Dem Hoi Trang Ram To Chuc Ngay 1092022 Tai Trung Tam Thuong Mai Ha Noi Matxcova

Nguồn: Incentra.com.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga