Mặc dù trải qua nhiều năm vất vả mưu sinh nhưng nhìn chung cuộc sống người Việt tại Nga sau năm 2010 khá ổn định. Số người có thẻ xanh và hộ chiếu Nga đã tăng đều; nhiều gia đình đã có thể mua căn hộ và dự định định cư lâu dài ở Nga.

Nhưng dịch Covid-19 đã thay đổi, làm suy thoái nền kinh tế và cuộc sống của cả nhân loại; và dĩ nhiên cộng đồng người Việt ở Nga đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Hàng chục năm chưa từng khó khăn như thế

Nếu tính từ năm 1981, khi có hơn 210.000 người Việt sang lao động và hợp tác ở Liên Xô, đến nay đã gần bốn chục năm, đã có tới ba thế hệ. Sau khi Liên Xô tan rã, những người Việt trụ lại ở nước Nga mưu sinh chủ yếu bằng việc kinh doanh ở chợ, làm xây dựng nhỏ, làm nông trại và dịch vụ.

Khoảng từ sau năm 2010, các cơ sở may mặc của người Việt phát triển và lan rộng ở nhiều tỉnh quanh Thủ đô Matxcơva, tạo nên một phương thức làm ăn mới, thu hút được hàng ngàn lao động có tay nghề.

 

132 1 Nguoi Viet Tai Nga Mua Dai Dich Bai Cuoi Muu Sinh Mua Dai Dich Cai Kho Bo Cai Khon

 Một nhà hàng Việt tại Matxcơva. Ảnh: TTXVN.

Mặc dù có rất nhiều điều tiếng do sự thiếu minh bạch về thuế, vệ sinh môi trường, không đăng ký thương hiệu, an toàn lao động không bảo đảm và sử dụng lao động chưa hợp pháp, nhưng nhìn chung, các xưởng may mặc của người Việt đã tạo nên một nguồn sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người lao động, và có thể nói, là đem đến thu nhập đáng kể đối với các chủ xưởng.

Khi Crưm thuộc về lãnh thổ Nga năm 2014, Mỹ và châu Âu tiến hành đồng loạt và kéo dài việc cấm vận kinh tế Nga, việc kinh doanh của người Việt rơi vào những khó khăn nhất định. Trong lúc đó, chính quyền Nga yêu cầu phải chuẩn hóa các xưởng may, theo cách nói ở Nga là phải làm các xưởng sạch, có mặt bằng đúng quy định, có đăng ký nhãn mác, phải nộp thuế, công nhân có hộ khẩu, môi trường phải tôn trọng…

Khi xảy ra cấm vận, dân Nga thu nhập sút kém đi, do đó họ chỉ quan tâm tới cái ăn, thực phẩm hàng ngày. Cái mặc, nói đúng hơn là quần áo, giày dép, mặt hàng kinh doanh chủ yếu của người Việt, đối với họ chưa phải là thiết thân nhất. Các chợ hàng vải của Việt Nam lưu lượng mua bán giảm hẳn; các xưởng may buộc phải thu hẹp lại và giảm bớt năng suất.

Trước tình hình đó, “cái khó ló cái khôn”, nhiều chủ xưởng may trước nguy cơ phá sản, đã nhanh chóng chọn thuê mặt bằng, tuyển dụng đầu bếp, mở hàng trăm quầy hàng ăn lớn, nhỏ ở Thủ đô Matxcơva và các TP khác. Món chủ lực của nhà hàng Việt lâu nay vẫn là phở, nộm, bánh bao, bánh mì pate, cà phê; còn các nhà hàng nào có mặt bằng tương đối rộng thì kinh doanh cơm bữa cho các đoàn du lịch, khách tây và khách vãng lai.

Mùa Hè năm 2019, năm làm ăn bận rộn nhất của ngành du lịch, các nhà hàng Việt đông khách đến nỗi, các công ty phải đặt chỗ trước cả tuần. Cứ ngỡ cảnh này tiếp diễn, thì các cửa hàng ăn Việt có thể sánh vai với các cường quốc ẩm thực tại Matxcơva như nhà hàng Nhật và Ý.

Nhưng người tính không bằng trời tính, đùng một cái, đại dịch Covid-19 ập xuống, tất cả các nhà hàng ăn bị đóng cửa, chợ ngừng hoạt động, hàng ngàn người mất việc. Ngoài chợ thì hàng mùa Đông tồn đọng, nợ nần lẫn nhau; tại nhà hàng ăn thì các thiết bị bỏ xó, hư hỏng không biết bao nhiêu thực phẩm tươi sống.

Vất vả lo toan cuộc sống

Trong suốt thời kỳ giãn cách, các quầy hàng ăn nằm trên các phố, trong các trung tâm thương mại, trong các chợ Nga, thậm chí trong Trung tâm đa chức năng Hà Nội, nghĩa là nơi tập trung người Việt đông đúc nhất, đều đóng cửa im ỉm. Đa số nhân viên nhà hàng mất việc, không lương; các chủ nhà hàng thì lo liên hệ với các chủ cho thuê mặt bằng và chính quyền báo cáo xin hỗ trợ giảm thuế. Mãi đến cuối tháng 6, các nhà hàng được phép mở cửa, nhưng chỉ phục vụ cho khách mang suất ăn đi, không phục vụ tại chỗ, nên thu nhập chẳng có là bao. Một số chủ nhà hàng năng động hơn thì ship hàng cho khách đặt qua online, nhưng thường là “tiền vá quá tiền may” trừ công xá đi đường, rồi chẳng còn được là bao nữa.

Cầm cự một thời gian, cho đến thời điểm này, sang đến mùa Thu rồi, số người nhiễm virus ở Nga đang có dấu hiệu tăng trở lại, vắng khách ăn, rất nhiều nhà hàng ăn đứng trước nguy cơ phá sản, phải trả lại mặt bằng. Có nghĩa là hàng ngàn nhân công sẽ thất nghiệp, ngày mai sẽ ra sao, chưa thể nào biết được.

Hoạt động kinh doanh chủ yếu của người Việt ở Nga gần bốn chục năm qua, chủ yếu là buôn bán tại các chợ hàng vải. Sau khi chợ Vòm bị xóa sổ, hàng chục ngàn người Việt dạt về ba chợ Liublino, Xadovod và Cây số 19 nằm trên đường vòng tròn lớn MKAD.

Dường như việc kinh doanh của các chợ quyết định cho các mô hình hoạt động khác, như dịch vụ, xây dựng, nông trại và may mặc. Khi hàng hóa bán tốt, thì sự vận hành của các mô hình ăn theo đó cũng sôi động hẳn lên. Nhưng khi các chợ lịm đi vì dịch Covid-19, hàng trăm quầy hàng đóng cửa theo lệnh chủ chợ, người buôn bán không có lấy một nguồn thu nhập nào. Những ai có “lương khô” dự trữ thì yên tâm, còn ai rơi vào cảnh giật gấu, vá vai thì cơ khổ.

Ngoài chi tiêu ăn uống, thuốc thang, con cái học hành, còn phải thanh toán tiền nhà hàng tháng. Nên nhớ nước Nga không phải là Mỹ, là Canada, nên người Việt không có một sự hỗ trợ vật chất nào. Có tiền thì tiêu, không có thì vay mượn, hoặc kêu gọi viện trợ từ người thân trong nước.

Mong ngóng sớm phục hồi

Cơ may, các chợ cho mở cửa lại vào những ngày cuối Hè, lúc dân Nga chuẩn bị mua sắm vật dụng cho con em quay lại trường, hoặc tranh thủ nghỉ ngơi ở ngoại ô trước khi trời trở lạnh, nên bà con ở các chợ tranh thủ chớp thời cơ, bất chấp cảnh báo về lây lan virus, cũng vớt vát quay lại việc mua bán kịp thời vụ.

Vào cữ chớm Thu thời điểm này năm ngoái, các công ty du lịch Việt hoặc các Công ty liên doanh đang vào mùa thu hoạch. Mỗi chuyến bay có tới ba hoặc bốn đoàn khách Việt Nam sang đón mùa Thu vàng của Nga. Tại các điểm du lịch như điện Kremli, Quảng trường Đỏ, Đồi Chim sẻ, Công viên Kolomenxkoe… từ sáng đến tận chập tối, dòng người du lịch nườm nượp nối đuôi nhau tham quan. Những hướng dẫn viên làm việc liên tục đến phờ phạc.

Nhưng năm nay, các công ty du lịch đã phải hủy hàng trăm tour ngay từ sau Tết, chấm dứt các hợp đồng với hãng xe, hủy toàn bộ vé máy bay, thanh lý tiền nong với các khách sạn, hủy chương trình với các điểm tham quan.

Sau khi hết lệnh giãn cách, một số công ty lên kế hoạch khai thác du lịch nội địa, hoặc tham quan trong TP, nhưng sự hưởng ứng của bà con rất dè dặt, vì người ta lo sợ lây nhiễm. Có lẽ duy nhất có Công ty ATN (Ấn tượng Nga) là có một số hoạt động thành công, khi mạnh dạn khai thác gần chục tour thăm vành đai vàng và tham quan các TP được coi là thắng cảnh bậc nhất của nước Nga.

Nhưng nhìn chung, một không khí khá ảm đạm bao trùm vì không tìm ra hướng đi khả dĩ và thích hợp. Dùng hai từ khó khăn chắc sẽ không thể diễn đạt được hết tình hình của bà con người Việt trong giai đoạn này. Chỉ có thể diễn tả “Cái khó bó cái khôn” như người xưa vẫn nói.

Tuy nhiên, từ xưa tới nay, người Việt luôn sống bằng hy vọng và vẫn tin rằng, sắp tới, khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi, đường bay quốc tế khai thông, sự thông thương của hai nước được kết nối, nền kinh tế nước Nga nhanh chóng phục hồi, cuộc sống của cộng đồng người Việt chắc chắn sẽ từng bước đi vào ổn định. 

 

NGUYỄN THẢO NGUYÊN

Nguồn: kinhtedothi.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga