Là làn sóng COVID-19 thứ hai, dù rất nghiêm trọng nhưng người Việt tại Ấn Độ đã quen dần với việc sống với dịch bệnh, đặc biệt cách xử lý khi có người bị nhiễm bệnh.

132 1 Nguoi Viet Tai An Do Bac Si Kham Covid 19 Tren Mang Thuoc Duoc Gui Den Tan Nha

132 2 Nguoi Viet Tai An Do Bac Si Kham Covid 19 Tren Mang Thuoc Duoc Gui Den Tan Nha

Một lễ hội tôn giáo ở Ấn Độ hồi tháng 4. (Ảnh: Reuters)

Một công dân Việt Nam cho biết, cộng đồng người Việt sống rải rác tại Ấn Độ nên khó kết nối, song mọi người vẫn tìm cách trợ giúp nhau qua mạng xã hội.

Nhiều người chủ quan

Theo Giang Nguyễn, kỹ sư Việt Nam đang sống và làm việc tại Ấn Độ, chuyên gia y tế, chính quyền đã cảnh báo về dịch bệnh từ khoảng tháng 1, song nhiều người dân còn chủ quan và chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch.

“Tôi đã dự tính trước được làn sóng thứ 2 sẽ xuất hiện vì rất nhiều chuyên gia y tế, chính quyền cũng đã cảnh báo từ tháng 1, tháng 2 năm nay, nhưng nhiều người dân đã phớt lờ, chủ quan, không đeo hoặc đeo khẩu trang không đúng cách, tụ tập đông người ở các lễ hội tôn giáo, tham gia sự kiện chính trị”, anh cho biết.

Đối với Giang, vì đã trải qua một mùa dịch nên năm nay bản thân anh và gia đình cảm thấy bình thường, không còn lo lắng.

Giang đang sinh sống cùng vợ con tại Ấn Độ. Anh là kỹ sư công nghệ cơ khí, phụ trách về mảng nhà máy thông minh, phân tích dữ liệu, máy học và trí tuệ nhân tạo tại công ty Bosch Ấn Độ. Giang đã ở Ấn được hơn 1 năm.

Hiện tại, bang Karnataka nơi Giang sống tiến hành phong tỏa 14 ngày, bắt đầu từ 9 giờ tối 27/4. Trong đợt phong tỏa này, các cửa hàng thiết yếu chỉ được mở cửa từ 6 giờ đến 10 giờ sáng hàng ngày.

 132 3 Nguoi Viet Tai An Do Bac Si Kham Covid 19 Tren Mang Thuoc Duoc Gui Den Tan Nha

Hình ảnh phong tỏa tại Karnataka năm 2020. (Ảnh: ANI)

Người dân vẫn có thể ra ngoài để mua hàng trong khoảng thời gian quy định. Sau 10 giờ, các cửa hàng thiết yếu đóng cửa, chỉ phục vụ giao hàng online. Nhà hàng, quán ăn vẫn được phép mở cửa nhưng cũng chỉ phục vụ giao hàng. Nhiều trang thương mại điện tử như Amazon, Flipkart vẫn bán các mặt hàng như đồ điện tử, gia dụng, giải trí, sách… và giao hàng tận nhà.

“So với đợt phong tỏa nghiêm ngặt của Ấn Độ vào năm ngoái (2020) thì năm nay cộng đồng người Việt đã có sự chuẩn bị trước nên cũng không gặp nhiều khó khăn, không thiếu thốn nhu yếu phẩm, mọi thứ đều có thể đặt mua online”, Giang cảm nhận.

Anh chia sẻ, mỗi thành phố hay mỗi tiểu bang Ấn Độ lại có group WhatsApp (một ứng dụng nhắn tin) riêng để mọi người liên lạc và giúp đỡ nhau khi khẩn cấp. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tương tác với nhau qua nhóm “Người Việt ở Ấn” trên Facebook để chia sẻ thông tin.

“Đa phần mọi người đều sống rải rác trên khắp đất nước Ấn Độ rộng lớn, do vậy rất khó hỗ trợ nhau”, Giang nói.

Theo Giang, hiện còn khoảng 15 người Việt ở Bangalore, chủ yếu là cô dâu Việt. Họ cũng thường liên lạc để động viên lẫn nhau và nhắc nhở nhau phòng dịch, sống tích cực và lạc quan. Hội người Việt ở Bangalore vẫn khoẻ mạnh và đang chủ động phòng dịch.

Truyền thông địa phương và quốc tế những ngày gần đây đưa tin nhiều về tình trạng các bệnh viện quá tải, người bệnh COVID-19 không được chữa trị kịp thời, có người qua đời ngoài bệnh viện. Giang chưa thấy những chuyện như vậy ở khu vực mình sinh sống, song anh cho rằng thông tin trên báo chí Ấn Độ là một sự cảnh báo với người dân.

“Họ vốn đa phần rất chủ quan, tự tin vào sức đề kháng của bản thân mà bỏ qua những quy tắc phòng chống dịch bệnh. Họ quá tự tin khi cho rằng Ấn Độ xưa nay tồn tại nhiều virus khác nhau nên cơ thể đã quen với việc đó, cũng như khi thấy đợt dịch năm ngoái có tỷ lệ chữa khỏi cao mà không cần tới bệnh viện, không cần giường ICU (chăm sóc đặc biệt), máy thở, và Ấn Độ cũng đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn cho toàn dân”.

“Virus chủng mới làm nhiều người trẻ cũng cần máy trợ thở”

 132 4 Nguoi Viet Tai An Do Bac Si Kham Covid 19 Tren Mang Thuoc Duoc Gui Den Tan Nha

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tại phòng chăm sóc đặc biệt ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Nói về hệ thống y tế Ấn Độ, Giang quan sát hệ thống này vốn rất thiếu thốn ở vùng nông thôn, chỉ một số bệnh viện ở thành phố lớn mới được trang bị máy móc hiện đại, kỹ thuật cao.

“Ấn Độ đang cung cấp 60% lượng vaccine cho toàn thế giới và là lò sản xuất thuốc cho thế giới. Ấn Độ cũng cung cấp vaccine AstraZeneca và thuốc chống siêu vi Remdesivir rất hiệu quả trong việc điều trị các ca nhiễm nhẹ hay vừa. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống y tế của Ấn Độ đang bị quá tải do lượng người mắc COVID-19 phải nhập viện quá đông”, anh nói.

Kỹ sư Việt Nam cho biết tại bang anh sống có quy định là người có nồng độ oxy trong máu dưới 90% thì mới được nhập viện, còn lại thì tự cách ly trong phòng, điều trị tại nhà. “Bác sĩ sẽ khám online, thuốc được gửi đến tận nơi”.

Các bang khác nhau có quy định cụ thể khác nhau nhưng nhìn chung là trường hợp bệnh nặng mới được vào viện.

Nhưng, tình hình dịch bệnh năm 2021 có nhiều chuyển biến khó khăn hơn. “Virus chủng mới làm nhiều người trẻ cũng phải cần đến máy trợ thở và giường ICU”, Giang nói. Ấn Độ đã không chuẩn bị cho tình huống này, dẫn đến việc sản xuất, phân phối oxy gặp nhiều khó khăn. Điều đó gây thiếu oxy trầm trọng và nhiều bệnh nhân không qua khỏi.

Cả thế giới đang chú ý tới biến chủng “đột biến kép” của virus SARS-CoV-2 ở Ấn độ là B.1.617. Theo các chuyên gia, biến chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên khả năng lây lan nhanh hơn, thậm chí nhanh hơn là biến chủng B.1.1.7 được ghi nhận tại Anh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về tốc độ lây lan của nó.

Người dân sẽ được tiếp cận vaccine giá rẻ

Từ 1/5, người từ 18 tuổi trở lên tại Ấn Độ sẽ được đăng ký tiêm vaccine COVID-19.

Thông tin thêm về quá trình này, anh Giang chia sẻ hiện đã có 3 giai đoạn. “Tất cả vaccine sẽ miễn phí dành cho những ai tham gia chích ngừa ở bệnh viện công (giai đoạn 3), trước đó Ấn Độ ưu tiên chích cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ hoạt động công ích (giai đoạn 1) và người từ 45 tuổi trở lên (giai đoạn 2)”.

Bên cạnh đó, hiện tại nhiều công ty đã nhanh chóng liên kết với bệnh viện tư để mua vaccine tiêm miễn phí cho nhân viên, người thân trong gia đình. Giang và vợ sẽ được tiêm vaccine AstraZeneca vào ngày 4/5 tại trụ sở chính của Bosch Ấn Độ ở Adugodi, Bangalore.

 132 5 Nguoi Viet Tai An Do Bac Si Kham Covid 19 Tren Mang Thuoc Duoc Gui Den Tan Nha

Anh Giang và vợ sẽ được tiêm vaccine vào đầu tháng 5. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Các khu chung cư, khu dân cư cũng chủ động liên hệ bệnh viện để chích ngừa vaccine miễn phí cho toàn bộ cư dân, những người làm giúp việc nhà, tài xế, làm vườn, thợ sửa chữa…”, anh nói.

Có 2 loại vaccine đang lưu hành tại Ấn là Covishield (tên của vaccine AstraZeneca do Anh – Thụy Điển nghiên cứu, Ấn sản xuất) và Covaxin do viện sinh học Bharat Biotech nghiên cứu phát triển vừa hoàn thành xong giai đoạn 3 thử nghiệm đạt hiệu quả 78% (theo Times of India).

Từ tháng 6, Ấn sẽ đẩy mạnh năng suất sản xuất vaccine AstraZeneca lên đến 100 triệu liều/tháng. Ấn Độ cũng đang đàm phán với 2 hãng dược Moderna, Pfizer cũng như với Nga để sản xuất vaccine Sputnik từ quý 3 năm nay nhằm phục vụ nhu cầu tiêm chủng của toàn dân, ngừng xuất khẩu vaccine AstraZeneca để phục vụ việc chống dịch.

“Do đó, toàn bộ người dân sẽ được tiếp cận vaccine với chi phí rất rẻ, hầu như là miễn phí”, Giang chia sẻ.

Hiệu quả ước tính của vaccine COVID-19 Covaxin tại Ấn Độ, so sánh với các loại vaccine khác, dựa vào dữ liệu tạm thời thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. (Nguồn: Times of India)

132 6 Nguoi Viet Tai An Do Bac Si Kham Covid 19 Tren Mang Thuoc Duoc Gui Den Tan Nha

Hiệu quả ước tính của vaccine COVID-19 Covaxin tại Ấn Độ, so sánh với các loại vaccine khác, dựa vào dữ liệu tạm thời thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. (Nguồn: Times of India)

Hôm 28/4, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 360.960 trường hợp mắc COVID-19 mới. Đây là số ca nhiễm bệnh cao nhất thế giới trong một ngày. Đây cũng là ngày thứ 7 liên tiếp nước này ghi nhận trên 300.000 ca nhiễm nCoV.

Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ báo cáo thêm 3.293 người chết do COVID-19. Qua đó, nâng tổng số người chết do COVID-19 lên 201.187. Tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia này cũng gần đạt mức 18 triệu người.

Nguồn: Phương Anh/ Vtc.vn

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga