Số vụ bắt cóc, giam giữ người Việt ở Nhật để đòi nợ hoặc tiền chuộc từ người thân ở Việt Nam tăng nhanh trong thời kỳ Covid-19.

Giới chức Nhật Bản cho hay nhiều thực tập sinh Việt Nam gặp khó khăn tài chính sau khi tới nước này vì Covid-19 có liên quan đến những vụ án trên. Vì mất việc, họ sa vào các hoạt động cờ bạc do người Việt tổ chức và phải vay nợ đồng hương.

Hồi tháng 5, cảnh sát tỉnh Aichi tìm thấy 6 người đàn ông Việt Nam bị xích chân vào nhau trong một căn hộ ở Ichinomya. Họ đều khai là đang mắc nợ, một số phải gọi điện về nước nhờ người thân trả tiền thay.

Một người đã vay 900.000 yên (7.900 USD) từ một người được cho là kẻ đứng đầu đường dây. Cảnh sát đã bắt 8 người Việt liên quan tới vụ này. Hôm 12/10, tòa án Nagoya kết luận ba bị cáo trong số đó phạm tội giam giữ người trái phép và các tội danh khác.

1 Nguoi Viet O Nhat Sa Bay Co Bac Dong Huong

Cảnh sát tỉnh Saitama trò chuyện với sinh viên Việt Nam tại trường dạy nghề Urawa ở Saitama về hành vi cờ bạc trái phép ngày 25/2. Ảnh: Mainichi

Nhiều vụ tương tự được ghi nhận khắp Nhật Bản. Từ tháng 1 tới tháng 9, ít nhất 42 người Việt Nam bị bắt vì tình nghi bắt cóc đồng hương để đòi tiền chuộc hoặc đòi nợ. Theo Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, không người Việt nào bị bắt vì những tội này trong giai đoạn 2009-2019. Hoạt động lừa đồng hương vào bẫy cờ bạc của người Việt chỉ xuất hiện từ năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, với 10 người bị bắt.

Một người Việt 28 tuổi sang Nhật làm thực tập sinh kỹ thuật đã mắc nợ 600.000 yên (5.200 USD) vì cờ bạc. Anh bị giam vài tiếng trong căn hộ ở tỉnh Aichi mùa hè 2020, sau khi nhóm chủ nợ cho rằng anh sẽ quỵt nợ và bỏ trốn. Thực tập sinh này sau đó được cảnh sát Nhật phát hiện và phải trở về nước.

Hồi tháng 1, 6 người Việt bị cảnh sát tỉnh Shizuoka bắt vì cáo buộc bắt cóc một thực tập sinh người Việt và đòi 2,5 triệu yên (22.000 USD) tiền chuộc. Hồi tháng 6, nhóm 12 người Việt bị bắt ở Hiroshma với cáo buộc giam và tống tiền một người Việt 310.000 yên (2.700 USD).

"Có nhiều trường hợp người nước ngoài sa vào cờ bạc vì cảm thấy không thể hồi hương nếu không đem về được một khoản tiền lớn, từ đó chìm vào nợ nần", theo Yoshihisa Saito, phó giáo sư Đại học Kobe, chuyên gia về luật lao động và các mối quan hệ lao động đặc biệt ở Việt Nam, nói.

"Cần phải có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho những người Việt bị thất nghiệp hoặc mất chỗ ở tại Nhật Bản do đại dịch", Saito nói.

Hồng Hạnh (Theo Yomiuri Shimbun)

Nguồn: vnexpress.net

 


©Thời báo NGA - Báo điện tử tiếng Việt hàng đầu tại Nga